Trong năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được nâng cấp từ "đối tác chiến lược" lên thành một cộng đồng có cùng chung vận mệnh. Sự chuyển dịch này được đánh dấu bằng chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2014 và chuyến thăm Brunei sau đó một tháng của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Chính trong chuyến thăm này, ông Lý Khắc Cường đã đưa ra khái niệm "thập niên kim cương". Trong "thập niên vàng", mối quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN được định hình bởi 4 trụ cột: phát triển khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN; sự gia nhập của Trung Quốc vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC); Trung Quốc và ASEAN ký kết Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC); và cuối cùng là việc Trung Quốc ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN cũng như vai trò trung tâm của tổ chức này ở khu vực Đông Á. 

Đối với "thập niên kim cương", cũng sẽ có 4 nhóm trụ cột hỗ trợ cho cộng đồng chung giữa Trung Quốc-ASEAN. Nhóm thứ nhất liên quan đến quá trình đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN đi đầu, một phiên bản mới của khu vực mậu dịch tự do 

Trung Quốc-ASEAN do ông Lý Khắc Cường khởi xướng vào năm 2013. Nhóm thứ hai liên quan đến việc hai bên tôn trọng triệt để TAC, đồng thời đàm phán để đi đến ký kết một hiệp ước về sự hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia láng giềng. Nhóm thứ ba bao gồm việc tuân thủ nghiêm ngặt DOC, đẩy nhanh đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và cách tiếp cận kép mà Trung Quốc đề xuất trong năm 2014 để giải quyết vấn đề Biển Đông. Và nhóm thứ tư dựa trên cơ sở sự ủng hộ của Trung Quốc đối với một ASEAN thống nhất và sự hợp tác ở khu vực Đông Á, hai bên sẽ cùng nhau củng cố cấu trúc an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng là một đề xuất khác của Trung Quốc.

Cụ thể hơn, các chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực ASEAN trong năm 2014 đã thành công cả trên lĩnh vực phát triển lẫn an ninh. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã trở nên thân thiện hơn, toàn diện hơn, phục vụ lợi ích cho cả hai bên. Về phát triển, Trung Quốc đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực.

Thông qua việc đẩy nhanh xây dựng Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 cũng như thúc đẩy sự kết nối ở mọi cấp (trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, giữa Trung Quốc với ASEAN, giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Trung Quốc đã thật sự trở thành một đầu tàu trong sự phát triển của ASEAN và nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên khối này. Mặc dù lần đầu tiên đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN, nhưng trong năm 2014 Myanmar đã tổ chức thành công một loạt sự kiện quan trọng, và sự tham gia của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đóng góp vào sự thành công này. 

Về an ninh, trong năm 2014, Trung Quốc đã nâng cao khả năng củng cố các yêu sách trên Biển Đông, đồng thời cải thiện các chính sách liên quan. Tháng 8/2014 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra một cách tiếp cận kép: tất cả các bên liên quan sẽ giải quyết bất đồng thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn hòa bình, trong khi hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông cần phải được Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau duy trì. Mặc dù phản đối sự can dự của Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn gia tăng sự tham vấn và phối hợp với nước này trong các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Trung Quốc đồng thời cũng đồng ý sớm kết thúc đàm phán COC, qua đó thể hiện mong muốn cùng các quốc gia ASEAN, Mỹ và Nhật Bản tạo ra các quy tắc chung. Tính chủ động và tích cực trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ đưa quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á lên một nấc thang mới. 

Theo China-US Focus

Trần Quang (gt)