Ai Cập: Do hậu quả của cuộc cách mạng Ai Cập, thế giới đang theo dõi chặt chẽ chính phủ nước này sẽ theo đuổi chính sách gì. Những xu hướng gần đây cho thấy phần đông dân chúng Ai Cập ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo và phản đối chủ nghĩa thế tục. Hiện nay, các nhà lãnh đạo Ai Cập trên danh nghĩa Hồi giáo đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của những người thế tục bằng cách xoa dịu các quan điểm của họ, nhưng do quan điểm của họ ổn định, một chính phủ Hồi giáo quyết đoán hơn có thể hình thành, từ đó có thể làm phức tạp các mối quan hệ với Ixraen và gây khó chịu cho dư luận Mỹ và Tây Âu.

Xyri: Khi lực lượng nổi dậy ở Xyri chiếm được nhiều khu vực trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, các biện pháp trả đũa của chính phủ trở nên ngày càng quyết liệt. Các lực lượng chống chính phủ sẽ phát động một chiến dịch khủng bố quyết liệt ở các khu vực do chế độ Assad nắm giữ, tấn công người lớn và trẻ em bằng bạo lực và tra tấn tàn bạo. Nếu hình thức này tiếp tục và thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông, áp lực quốc tế có thể buộc Liên hợp quốc (LHQ) tăng cường thêm lực lượng gìn giữ hòa bình ở Xyri ngoài lực lượng giám sát hiện nay.

Iran: Chương trình hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục nổi lên trong chính sách ngoại giao của phương Tây đối với nước này. Năm 2013 có thể chứng kiến ngày càng nhiều nước tham gia chiến dịch cấm vận kinh tế mạnh mẽ chủ yếu do Mỹ lãnh đạo chống Têhêran. Khả năng xuất khẩu của Têhêran sẽ giảm mạnh hơn nữa, từ đó nền kinh tế vốn đang yếu kém của Iran có thể bị sụp đổ.

Pakixtan: Tình trạng bạo lực phe phái ở Pakixtan có khả năng gia tăng trong năm 2013. Các cuộc xung đột bạo lực và tấn công khủng bố đã và đang tăng đều đặn, và xu hướng này sẽ tiếp tục. Dư luận cho rằng hầu hết các cuộc tấn công đều do các chiến binh của đa số người Sunni ở Pakixtan gây nên và thường đánh vào các mục tiêu của người Shi'ite.

Mianma: Các điều kiện vẫn rất khó khăn cho người Rohingya ở Mianma. Các cuộc bạo loạn liên tục xảy ra, bắt đầu từ mùa hè năm 2012, buộc hơn 100.000 người Hồi giáo Rohingya rời khỏi phía tây Mianma, nhiều người trong số họ đang sống trong các trại tị nạn. Các nhà lãnh đạo Mianma đã làm hài lòng giới lãnh đạo có ảnh hưởng của đa số dân chúng Phật giáo bằng cách thúc đẩy cuộc xung đột giữa các sắc tộc và cam kết trục xuất người Rohingya khỏi Mianma. Mặc dù kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ của quốc tế, nhưng cuộc khủng hoảng kéo dài có thể buộc chính phủ nhanh chóng hành động quyết liệt.

Biển Đông: Mâu thuẫn và thù địch có khả năng tiếp tục nổi lên ở Biển Đông. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philíppin, Malaysia và Brunei... đều có yêu sách chồng lấn ở Biển Đông, kể cả một số quần đảo - nơi được cho là chứa nhiều nguồn tài nguyên quan trọng như dầu lửa, khí đốt và cá. Xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ và hầu hết các nước liên quan đã chính thức nhất trí sẽ xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trong vấn đề này, mặc dù các thỏa thuận đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. 

Vênêxuêla: Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez bị tái phát căn bệnh ung thư. Không ai biết rõ mức độ bệnh tật của ông thế nào, tuy nhiên, ông đã chỉ định người kế nhiệm, đề phòng trường hợp xấu. Nếu sức khỏe của ông Chavez ngày càng tồi tệ, vấn đề chuyển giao quyền lực có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. 

Libi: Do hậu quả từ thất bại của cựu Tổng thống M. Gaddafi, cuộc xung đột đã lan sang các nước láng giềng. Những người Hồi giáo ủng hộ chế độ của Gaddafi đã tràn sang miền bắc Mali trong năm 2012 và gây nên một cuộc nội chiến chống lại chính phủ. Nhóm này có thể có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và những người bất đồng chính kiến ở Nigêria, và dường như bạo lực trong khu vực sẽ tiếp tục lan rộng. Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán với Angiêri, một cường quốc trong khu vực, để đề ra kế hoạch can thiệp do người châu Phi lãnh đạo và thảo luận vai trò của Mỹ trong các nỗ lực như vậy.

Vương Quốc Anh: Năm nay sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ của Anh và Liên minh châu Âu (EU). Dưới sự lãnh đạo bảo thủ của Thủ tướng David Cameron, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của EU đối với các chính sách quốc gia của Anh. Nếu không thành công, Anh có thể hạn chế tham gia liên minh và tìm kiếm tư cách thành viên liên kết hoặc tư cách đối tác. Bế tắc này của Anh có thể làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ngân sách sắp tới và làm trì hoãn các quyết định quan trọng về vấn đề kinh phí cho đến năm 2014.

Châu Âu: Năm 2013 sẽ chứng kiến nhiều sự kiện của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở châu Âu, khi nhiều chính sách và cải cách được các nước thành viên ban hành gần đây sẽ có hiệu lực. Thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng như Hy Lạp có tiếp tục lấy đồng euro là đồng tiền quốc gia hay không. Nếu tình hình vẫn khó khăn như nhiều người dự đoán, năm 2013 có thể chứng kiến EU áp dụng một biện pháp nữa hướng tới hội nhập tài chính nghiêm ngặt. 

Theo "Tạp chí Á-Âu" (ngày 11/1)

Nhật Linh (gt)