Những vấn đề trọng tâm trong Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Mỹ lần này là an ninh và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính sách an ninh và quốc phòng mới của Tokyo (bao gồm lý giải Hiến pháp và Định hướng hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ mới) báo hiệu một liên minh chặt chẽ và hiệu quả hơn. Việc ông Abe sẵn sàng thúc đẩy đàm phán TPP cũng tạo ra ấn tượng rằng mối quan hệ kinh tế Nhật-Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng không kém trong tổng thể mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn những bất đồng cần giải quyết. Vấn đề khó khăn nhất trong quan hệ quốc phòng - việc phản đối di dời căn cứ Futenma ở Okinawa đến Henoko - vẫn chưa thể được giải quyết tại Nhật Bản. Vấn đề TPP cũng đang bị chỉ trích gay gắt bởi nó có thể ảnh hưởng đến một bộ phận xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, những vấn đề này không phải là bề nổi trong chuyến thăm của ông Abe.

Bài phát biểu của ông Abe trước Quốc hội Mỹ đề cập đến việc củng cố và tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Bài phát biểu này có 3 điểm đáng chú ý:

Một là, ông Abe nhấn mạnh nhiều lần về chia sẻ các giá trị dân chủ và sự công nhận rõ ràng từ thời Phục hưng Minh Trị và thời kỳ sau năm 1945 - thời điểm người Nhật đã học hỏi nền dân chủ từ người Mỹ. Ông Abe đã bày tỏ lòng biết ơn của nước Nhật đối với sự giúp đỡ chân tình của người Mỹ sau thất bại của Nhật Bản năm 1945.

Hai là, ông Abe cũng nhấn mạnh rằng chính dân chủ đã mang lại sự thịnh vượng cho cả hai xã hội, có thể trở thành nền tảng của hòa bình và phát triển trong tương lai. Mỹ và Nhật Bản là những quốc gia tôn trọng dân chủ, đây là điểm tương đồng và luôn là sự khởi đầu cho sự hợp tác trong tương lai.

Cuối cùng là tuyên bố của ông Abe về lịch sử và chiến tranh, đã thu hút được sự chú ý của dư luận tại Nhật Bản, Mỹ, và đặc biệt ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông Abe đã chọn một cách tiếp cận rất khác biệt. Trong bài phát biểu tại Canberra năm 2014, ông Abe đã đề cập những sự kiện lịch sử cực kỳ nhạy cảm đối với bộ nhớ ký ức của người Mỹ: Trận Chân Châu Cảng, Trận chiến Bataan-Corregidor và Trận chiến biển Coral. Mặc dù lần này ông Abe không sử dụng lời xin lỗi, không trực tiếp đề cập đến Trận chiến Bataan-Corregidor, nhưng rõ ràng ông Abe đã bày tỏ sự khiêm nhường của Nhật Bản theo cách riêng.

Ông Abe cũng gây bất ngờ khi đề cập vấn đề "nô lệ tình dục" trong chiến tranh. Trả lời phỏng vấn báo chí sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Obama, ông Abe đã nói rằng: "Khi tôi nghĩ về vấn đề phụ nữ giải khuây (Nô lệ tình dục), những người đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người và đã trải qua nỗi khổ đau không thể diễn tả, tim tôi lại đau nhói. Cảm giác của tôi cũng giống như những người tiền nhiệm của tôi. Tôi thực hiện theo Tuyên bố Kono và tôi không có ý định thay đổi điều đó". Đây là một trong những tuyên bố mang tính xây dựng nhất về vấn đề này mà ông Abe từng đưa ra cho đến nay.

Theo "Diễn đàn Đông Á" (ngày 2/5)

Anh Thư (gt)