111031-N-BL607-031.jpg

Phát biểu tại Tokyo sau chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, ông Mattis nhấn mạnh Mỹ sẽ theo đuổi những nỗ lực ngoại giao để kêu gọi Trung Quốc dừng những hoạt động gây nên các tranh cãi tại Biển Đông. Ông cho biết mặc dầu Mỹ vẫn tiếp tục yêu cầu thực hiện quyền tự do đi lại tại vùng biển quốc tế, nhưng “chúng tôi thấy không cần thiết phải có những động thái quân sự lớn".

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, ông Mattis cho biết "chắc chắn là quân đội Mỹ sẽ là lực lượng giúp tăng cường sức mạnh cho các nhà ngoại giao Mỹ trong vấn đề này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, không cần thiết phải có sự tham gia của lực lượng quân đội Mỹ để giải quyết vấn đề này, cách tốt nhất vẫn là thông qua con đường ngoại giao".

Những bình luận của ông Mattis cho thấy vị tướng 4 sao này không có chủ trương, chiến lược cứng rắn đối với vấn đề Biển Đông như tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ông Tillerson từng làm cho Trung Quốc tức giận khi đưa ra bình luận Mỹ nên xem xét việc chặn các tàu của Trung Quốc đi vào các khu vực đang có tranh chấp tại Biển Đông.

Trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mattis đã tuyên bố chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách mà các chính quyền Mỹ trước đây đã thực hiện đó là sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp quần đảo Senkaku mà hiện Nhật Bản đang nắm giữ bị tấn công. Cựu Tổng thống Barack Obama đã khẳng định điều này khi ông đến thăm Nhật Bản vào năm 2014. Nhưng lời cam kết sẽ can thiệp quân sự của Mỹ nếu quần đảo này bị tấn công luôn là mối nghi ngờ và Nhật Bản muốn nghe lại lời cam kết này từ chính quyền mới của ông Trump.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hoan nghênh lời tuyên bố trên của ông Mattis, nhưng ngụ ý lo ngại ông Trump có thể không có cùng quan điểm như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ồng Kishida cho biết Tokyo sẽ tìm kiếm cam kết của Mỹ về việc bảo vệ các quần đảo nói trên trong các dịp khác nhau khi tiếp xúc với phía Mỹ.

Trung Quốc đã mô tả hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật là "vết tích của thời Chiến tranh Lạnh". Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi: "Mỹ cần có thái độ có trách nhiệm, chấm dứt những tuyên bố sai trái về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và không sử dụng vấn đề này để làm phức tạp tình hình và gây ra bất ổn định cho khu vực".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 1-3/2 nhằm khẳng định với các đồng minh của Mỹ trong khu vực này rằng chính quyền mới của Mỹ cam kết sẽ thực hiện trách nhiệm là đối tác an ninh của họ. Cả hai nước Nhật và Hàn Quốc đều đã lo lắng khi trong thời gian tranh cử Tổng thống, ông Trump từng đưa ra ý tưởng là có thể ông sẽ cho rút quân đội Mỹ đóng tại Nhật và Hàn Quốc.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 2/2 nói rõ với Chính phủ Nhật Bản quan điểm của chính quyền ông Trump là "ưu tiên cao cho khu vực này, đặc biệt là đối với những mối quan hệ đồng mình dài lâu như Nhật Bản". Trong thời gian tranh cử, ông Trump từng nói Nhật Bản và Hàn Quốc đã không đóng góp công bằng chi phí cho hoạt động quốc phòng chung với Mỹ, nhưng ông Mattis trong chuyến công du đến Nhật Bản đã ca ngợi Nhật Bản là “mô hình" đối tác trong việc chia sẽ gánh nặng chi phí quốc phòng với Mỹ để các quốc gia khác noi theo.

Chủ đề chính trong chuyến thăm Nhật Bản mà ông Mattis đề cập đó là vấn đề Bắc Triều Tiên, nước đã có khả năng bắn tên lửa tầm xa tới Nhật Bản, và đang tiến gần đến việc sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm xa có thể vươn tới tận đất Mỹ. Nhà Trắng tuần trước đã tuyên bố sẽ xem xét lại chính sách của họ đối với Triều Tiên. Ông Trump cho rằng Mỹ sẽ không cho phép Triều Tiên phát triển khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo tầm xa và đã xuất hiện lời đồn đoán cho rằng chính quyền Mỹ có thể sẽ xem xét việc đánh phủ đầu Triều Tiên. Điều này khiến Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ trả thù bằng cách bắn tên lửa vào hai nước láng giềng này.

Khi được hỏi chính quyền ông Abe sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ cân nhắc đến việc đánh phủ đầu Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải có biện pháp cùng nhau từ việc tạo ra các lá chắn phòng thủ tên lửa tầm xa cho đến phối hợp ba bên để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Bà Inada nói rõ: "Chúng ta cần đảm bảo rằng tình huống này sẽ không ra". Vị quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết một trong những lo ngại lớn nhất của họ là việc ông Trump có thể hành động đơn phương đối với Triều Tiên, và Nhật Bản sẽ là nước phải gánh chịu sự trả thù từ Triều Tiên. Một trong những ưu tiên đầu tiên mà Nhật Bản đưa ra với Mỹ đó là Mỹ cần cam kết là sẽ tham vấn Nhật Bản trước khi đưa ra quyết định đối với Triều Tiên.

Theo “Financial Times” (ngày 4/2)

Hương Trà (gt)