Chiến lược vạch ra ba mục tiêu hàng hải của Washington ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là bảo vệ tự do hàng hải, ngăn chặn xung đột và cưỡng ép, thúc đẩy tôn trọng luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Để đạt những mục tiêu này, bản báo cáo cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường quy mô quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phối hợp với các nước đồng minh và đối tác xây dựng khả năng quân sự của họ, thúc đẩy ngoại giao quân sự, tăng cường các thể chế an ninh và phát triển các cấu trúc an ninh khu vực.

Đây là một bản chiến lược hợp lý, góp phần xoá bỏ những nghi ngại về cam kết tái cân bằng của Washington đối với khu vực sau khi tập trung quá nhiều đến các vấn đề ISIS, Iran và Nga. Tuy vậy, vẫn có những điểm mà lẽ ra bản chiến lược có thể phát triển hơn nữa.

Trước hết, chiến lược không đề cập đến những mối lo ngại hàng hải ngoài Trung Quốc. Theo bản chiến lược, Trung Quốc gần như là trung tâm của mọi vấn đề. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi thực tế cái bóng của Trung Quốc đang bao trùm lên cả khu vực. Tuy nhiên, bản chiến lược đã không đề cập đến những tranh chấp lãnh thổ không có sự tham dự của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông (Nhật Bản – Hàn Quốc, Nga – Nhật Bản), nạn cướp biển, thiên tai hoặc chạy đua vũ trang. Đề cập đến những vấn đề này sẽ giúp bản báo cáo trở nên hoàn thiện hơn, trong đó, Trung Quốc chỉ là một nhân tố, dù là nhân tố quan trọng.

Thứ hai, bản báo cáo cũng bỏ lỡ cơ hội nhấn mạnh ý tưởng sử dụng quân đội và lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ như một công cụ để tiếp cận hơn là một công cụ để ngăn ngừa. Bản báo cáo dường như chỉ chú trọng đến việc chống lại những xung đột có thể có trong tương lai, trong khi đó, lại không đề cập đến việc sử dụng lực lượng vũ trang để hợp tác với Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ.

Thứ ba, các quốc đảo ở Thái Bình Dương, trừ Guam, không hề được nhắc đến. Theo bản báo cáo, các quốc gia này dường như chỉ đóng vai trò căn cứ quân sự. Bản báo cáo đã không đề cập đến những vấn đề an ninh phi truyền thống mà cả Hoa Kỳ và các quốc đảo này đều quan tâm, như buôn người, rửa tiền, đánh cá trái phép. Bổ sung thêm những vấn đề này vào báo cáo sẽ giúp giảm sự tập trung quá nhiều vào Trung Quốc, và thể hiện sự quan tâm cần thiết tới các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Cuối cùng, Bắc Cực không hề được nhắc đến. Cùng với việc băng ở Bắc Cực tiếp tục tan, một tuyến đường rẻ hơn và nhanh chóng hơn từ châu Á sang châu Âu đang được hình thành. Tuyến đường này sẽ ngày càng tấp nập và cạnh tranh ở Bắc Cực sẽ ngày một gia tăng. Nga, Trung quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đều bày tỏ quan tâm đến Bắc Cực và có nhiều mức độ khác nhau để theo đuổi lợi ích của mình ở đây. Việc không nhắc đến Bắc Cực trong bản báo cáo này là một điều cực kỳ thiển cận.

Tóm lại, bản chiến lược là một văn bảo hợp lý, tuy nhiên nó cần bao quát nhiều vấn đề hơn nữa để thúc đẩy sự tham gia của Hoa Kỳ ở khu vực.

Dennis Blair, Chủ tịch Quỹ Hoà bình Sasakawa tại Mỹ,. Bài viết được đăng trên CSIS.

 

Trần Quang (gt)