Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Brunei trong tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước hữu nghị và hợp tác mới với ASEAN. Theo tuyên bố trước chuyến đi của ông Lý Khắc Cường, hiệp ước này được xếp hàng đầu trong danh sách 7 đề xuất thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên trong thập kỉ tới, bao gồm cả việc nâng cấp khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN. Ông Lý Khắc Cường tuyên bố cần đưa quan hệ song phương từ “thập kỉ vàng” lên “thập kỉ kim cương”, đánh dấu sự nâng cấp “quan hệ đối tác chiến lược” được thực hiện từ năm 2003. Trước đó, thông điệp tương tự cũng đã được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình truyền tải trong diễn văn đọc trước Quốc hội Indonesia hôm 3/10 nhân chuyến thăm Jakarta. 

Tuy nhiên, liệu đây có phải là đợt “tấn công mềm” mới của Trung Quốc nhằm vào các nước ASEAN hay thực chất là Bắc Kinh đã mắc phải “mồi câu” của khu vực này? Thực tế, việc Trung Quốc thúc đẩy hiệp ước hữu nghị mới có ý nghĩa lớn, trong bối cảnh đang có nhiều biến động trong chính trị khu vực. Nếu được thực hiện, hiệp ước mới này có thể là "lớp kem phủ trên miếng bánh" mong muốn của Bắc Kinh về một giai đoạn quan hệ mới trong quan hệ với ASEAN. Quan hệ này được củng cố bằng sự “đồng thuận mới” với ASEAN và hướng tới việc xây dựng cái mà Bắc Kinh gọi là “cộng đồng Trung Quốc-ASEAN có chung vận mệnh và gần gũi hơn”. ASEAN phản ứng thận trọng trước đề xuất này, tuyên bố "ghi nhận hiệp ước" của Trung Quốc nhưng khẳng định cần phải nghiên cứu kĩ.

Đúng vào dịp kỉ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN ngày 29/8, Trung Quốc bắt đầu tung ra những “viên kẹo ngọt” cho ASEAN dưới hình thức các dự án phát triển trị giá nhiều tỷ USD. Thông điệp ngầm ở đây là Trung Quốc có ngân sách lớn để hỗ trợ kế hoạch “thập kỉ kim cương” với ASEAN khi mà Mỹ đang gặp những rắc rối về mặt chính trị và kinh tế. Mặc dù nội dung của hiệp ước này còn chưa rõ ràng, song có thể đây là một phản ứng với đề xuất của Indonesia đưa ra hồi tháng 5 về một hiệp ước hữu nghị với quy mô châu Á-Thái Bình Dương, “vượt ra ngoài ASEAN và Trung Quốc”. Trong một phát biểu tại viện nghiên cứu ở Washington, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natelegawa đã nói về sự cần thiết của một “hiệp ước hữu nghị và hợp tác rộng rãi ở châu Á-Thái Bình Dương” nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông khẳng định khu vực này có “quyền lực kinh tế thực sự”, là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu với các tuyến hàng hải chiến lược nhất thế giới. 

Phát biểu trước quốc hội Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả quan hệ Trung Quốc-ASEAN đang ở một “điểm xuất phát lịch sử mới” và Bắc Kinh coi trọng vị thế cũng như ảnh hưởng của Indonesia ở ASEAN. Ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại ý tưởng của ông Marty về “trách nhiệm chung” nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Thậm chí, Chủ tịch Trung Quốc còn cho rằng một “ý niệm hợp tác an ninh mới” sẽ bắt đầu bằng việc cùng nhau đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như ngăn ngừa và cứu hộ thảm họa, an ninh mạng và tội phạm xuyên quốc gia.

Đáng chú ý, hiện Trung Quốc can dự vào hai nền tảng an ninh chính của khu vực đó là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc-ASEAN và đối thoại định kì về các vấn đề an ninh khu vực liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải thông qua “đối thoại bình đẳng”. Đây là những thông điệp quan trọng mà ASEAN cần thận trọng cân nhắc. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mới giữa Trung Quốc và ASEAN có thể được coi là một TAC 2.0. Tuy nhiên, TAC 2.0 sẽ thay thế TAC 1.0, hay cả hai sẽ cùng tồn tại?

Liệu TAC 2.0 sẽ thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và từ đó xác nhận mong muốn hòa bình chân thành của Trung Quốc với các nước láng giềng? Hay nó sẽ làm vô hiệu COC và kéo lùi việc xây dựng niềm tin? 

Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp khi mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về những nước cờ ngoại giao. Tuy nhiên, nếu được điều chỉnh thích hợp, TAC 2.0 có thể trở thành công cụ hiệu quả để giải quyết những điểm nóng tiềm tàng trong khu vực, đặc biệt tại Biển Đông ngày càng trở nên nhạy cảm.

Tác giả Yang Razali Kassim, Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang.

Thùy Anh (gt)