Vụ việc này đã làm dấy lên những vấn đề đáng lưu ý. Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên từ phía Trung Quốc tuyên bố rằng tàu USS Cowpens của Mỹ đã có các hành động khiêu khích đối với đội tàu Liêu Ninh của Trung Quốc. Sự kiện này đã đặt ra một số vấn đề: Chính xác là tàu USS Cowpens đang làm gì? Sự giám sát trong trường hợp này có nghĩa là gì? Liệu có đúng là tàu USS đã can thiệp vào các hoạt động của đội tàu sân bay Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp nhận được tín hiệu liên lạc từ phía Trung Quốc? Liệu có đúng là vụ đối đầu này đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc hay không? Có phải là tàu USS Cowpens đã thả một số dụng cụ và thiết bị ở vùng biển đó hay không? 

Nếu đúng là tàu USS Cowpens đã thả một số dụng cụ và thiết bị ở vùng biển đó, Trung Quốc có thể hiểu rằng các hành động của tàu USS Cowpens là “nghiên cứu khoa học đại dương” trong các vùng biển của họ khi chưa được sự cho phép. Việc đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ là điều hữu ích trước khi đưa ra phán xét về mức độ sai phạm và hành vi khiêu khích. 

Dường như Trung Quốc đã thiết lập một “tầng phòng thủ bên trong” hoặc khu vực “tàu thuyền không được phép qua lại” ở xung quanh khu vực diễn ra cuộc tập trận của đội tàu sân bay Liêu Ninh. Thực ra Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên tuyên bố một vùng đặc quyền quân sự tạm thời trên biển. Mỹ đã thiết lập hơn 50 khu vực phòng thủ trên biển. Sau thảm họa tàu vũ trụ con thoi Challenger tháng 1/1986, Mỹ đã thiết lập một khu vực an ninh có chu vi 3 dặm xung quanh một địa điểm cách bãi phóng tàu Challenger 15 km về phía Đông, cấm tất cả các tàu thuyền tiến vào khu vực đó. Mỹ cũng đồng thời thiết lập một khu vực khác ít hạn chế hơn, có chu vi 18 dặm, và mở rộng ra phạm vi 72 dặm trên biển. 

Tháng 7/1986, một máy bay phản lực của hải quân Mỹ đã tấn công một tàu chở dầu của Công ty Dầu mỏ Sun bằng một quả tên lửa Sidewinder ở cái gọi là “các vùng nước hạn chế,” trong đó bao gồm cả các tuyến đường biển có nhiều tàu thuyền quốc tế qua lại nằm cách bờ biển phía Đông nước Mỹ khoảng 60 dặm. Tháng 1/1984, Mỹ đã gửi cho các phi công ở vùng Vịnh và các khu vực xung quanh một thông báo rằng các máy bay phải bay thấp hơn độ cao 2.000 feet (khoảng 600 m) và không được tiếp cận hay rời khỏi một sân bay trong khu vực để tránh “tiếp cận gần hơn phạm vi 5 hải lý đối với khu vực mà các lực lượng hải quân Mỹ đang tập trận”. Thông báo này tuyên bố rằng các máy bay không tuân thủ yêu cầu của họ có thể “gặp phải nguy hiểm”. 

Khi Iran phản đối những hành động đó không phù hợp với luật pháp quốc tế, Mỹ đã bác bỏ sự phản đối này và tuyên bố rằng “các thủ tục được Mỹ thực hiện đã được thiết lập phù hợp và hoàn toàn được công nhận trong thực tiễn quốc tế ở các vùng nước và eo biển quốc tế”. 

Khi Mỹ đặt thủy lôi các cảng ở Nicaragua vào đầu những năm 1980, tất cả các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngoại trừ Anh, đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết lên án “hành động cản trở tự do thương mại và tự do hàng hải này, một hành động vi phạm luật pháp quốc tế”. 

Điều hết sức cần thiết hiện nay là những nguyên tắc chỉ đạo tự nguyện để hai bên cùng có thể chấp nhận trong ứng xử quân sự trên biển và trên không. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, nói rằng các sĩ quan quân đội của cả hai nước “đang gặp nhau để phác thảo các quy tắc cho những tình huống khi mà quân đội hai nước đối đầu nhau trên biển, trên không hoặc không gian mạng”.

Tất cả đều hy vọng những cuộc thương lượng này sẽ thành công và điều đó sẽ sớm diễn ra.

Theo South China Morning Post

Thùy Anh (gt)