Theo mạng "Bình luận Trung Quốc" (Hồng Kông), sáng 11/7, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - Tướng Trần Bính Đức - đã có buổi hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đang ở thăm Trung Quốc. Trong hội đàm, hai bên đã đạt được năm điểm nhận thức chung sau:

Thứ nhất, mối quan hệ lành mạnh, ổn định và tin cậy giữa quân đội hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ. Hai bên cam kết đề ra nguyên tắc có lợi cho sự phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước trong khung quan hệ đối tác, hợp tác Trung-Mỹ tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng thắng mà nguyên thủ hai nước đang nỗ lực xây dựng.

Thứ hai, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy sự phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước, đồng thời nhất trí rằng quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ sẽ tăng cường hợp tác để ứng phó với các thách thức an ninh khu vực cũng như toàn cầu. Hai bên sẽ cùng nỗ lực bảo vệ sự phồn vinh và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ ba, việc giao lưu và đối thoại cấp cao giữa hai quân đội là rất quan trọng và hai bên sẽ cùng nỗ lực tạo ra bầu không khí tích cực. Hai bên đồng ý tiến hành thảo luận một cách thẳng thắn, có hiệu quả về các vấn đề cùng quan tâm cũng như các mối quan tâm của nhau theo tinh thần “cùng thông cảm, hợp tác giữa hai bên”.

Thứ tư, vấn đề an ninh quân sự trên biển Trung-Mỹ là rất quan trọng, hai bên sẽ tăng cường các hoạt động phối hợp giữa hai quân đội, nâng cao an ninh quân sự trên biển và trên không, giảm thiểu rủi ro.

Thứ năm, tiếp tục triển khai các cuộc giao lưu, thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao.

Theo mạng “Tin tức Trung Quốc”(Trung Quốc) ngày 11/7, Viên Bằng - Trợ lý Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế hiện đại Trung Quốc kiêm Trưởng Phòng nghiên cứu Mỹ của đơn vị này - đánh giá chuyến thăm Trung Quốc của Đô đốc Mullen là tiêu chí quan trọng, đánh dấu việc giao lưu quân sự Trung-Mỹ phát triển theo hướng cơ chế hóa và bình thường hóa, đồng thời cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của nội dung giao lưu giữa hai quân đội trong năm nay.

Giáo sư Ngô Tâm Bác, thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của trường Đại học Phúc Đán, cho rằng việc Trung Quốc sắp xếp lịch trình chuyến thăm sẽ thỏa mãn yêu cầu của Oasinhtơn muốn Bắc Kinh công khai chính sách quân sự. Thứ nhất, Đô đốc Mike Mullen - theo lịch trình - sẽ đi thăm một số đơn vị hải, lục, không quân và Lực lượng pháo binh 2, đơn vị nắm giữ lực lượng hạt nhân và tên lửa chiến lược của Trung Quốc. Thứ hai, Đô đốc Mullen sẽ đi thăm các tỉnh Sơn Đông và Chiết Giang - hai địa phương lần lượt là căn cứ địa của Hạm đội Bắc Hải và Đông Hải.

Về nội dung thảo luận và trao đổi giữa các bên trong chuyến thăm, hầu như các chuyên gia Trung Quốc đều khẳng định không thể bỏ qua vấn đề Biển Đông. Tờ "Thời báo Niu Yoóc" (Mỹ) ngày 11/7 cho rằng trong cuộc gặp, hai bên đã cố gắng vượt qua tình trạng thù địch kéo dài nhiều thập kỷ để theo đuổi "cơ hội lớn", tạo ra một "viễn kiến chung" cho sự hợp tác. Tuy nhiên, phóng viên của báo này tại Bắc Kinh cho rằng cả hai bên đều không phát đi một tín hiệu nào cho thấy Chính phủ Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng thay đổi lập trường trong các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông. 

Chuyên gia quân sự La Viện cho rằng phía Trung Quốc có thể sẽ khẳng định với Mỹ rằng Bắc Kinh kiên quyết duy trì lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán song phương với các quốc gia trong khu vực, đồng thời yêu cầu Oasinhtơn minh bạch hóa ý đồ quân sự, giải thích về hành động tập trận quân sự ở vùng biển giáp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tướng Trần Bính Đức đã bác bỏ những lo ngại của Mỹ rằng Trung Quốc đang triển khai các vũ khí mới, hiện đại để chống lại các lực lượng của Mỹ và nhắc lại rằng quân đội Trung Quốc là lực lượng tự vệ. Theo ông, công nghệ quân sự của Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ trong nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục ở khoảng cách như vậy trong thời gian tới, đồng thời chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Tướng Trần Bính Đức đề nghị Mỹ xem xét việc cắt giảm ngân sách quân sự. Ông nói: "Mỹ vẫn đang phục hồi sau khủng hoảng tài chính, vẫn còn nhiều khó khăn trong nền kinh tế. Sẽ là tốt hơn nếu Mỹ không chi tiêu nhiều như vậy cho quân sự mà thay vào đó chi nhiều hơn cho các lĩnh vực khác để đóng một vai trò tích cực, có tính chất xây dựng đối với hòa bình và sự ổn định trên thế giới".

NCBĐ (gt)