I. Một số bài học rút ra

1. Các bên tranh chấp phải nhận thức rằng việc nổ ra xung đột, đặc biệt là xung đột vũ trang, sẽ không giải quyết được các tranh chấp và không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào; thực tế, xung đột có thể chỉ mang lại thiệt hại cho các bên. 

2. Ý chí chính trị để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và để thực hiện các biện pháp nhằm tránh cho tranh chấp leo thang thành xung đột vũ trang là rất quan trọng. Các bên phải nhận thức rằng giải quyết các tranh chấp có lợi cho họ hơn là việc kéo dài tranh chấp. 

3. Một trong các bài học khó khăn nhất là các bên không nên luật hóa bất cứ tuyên bố lãnh thổ nào và không lôi kéo sự tham gia của công luận càng nhiều càng tốt, đặc biệt tại khu vực mà các tuyên bố chủ quyền rõ ràng gây tranh cãi. Việc luật hóa các tuyên bố lãnh thổ và tìm kiếm sự ủng hộ của công luận sẽ làm lập trường của tất cả các bên cứng rắn thêm, gây khó khăn thêm cho việc tìm kiếm các giải pháp hay nhượng bộ hoặc thậm chí là các giải pháp tạm thời như "khai thác chung". 

4. Cần tăng cường sự minh bạch trong chính sách, luật pháp và tài liệu quốc gia; cần có các cuộc gặp thường xuyên, chính thức và không chính thức, giữa các quan chức luật pháp của các nước khu vực nhằm trao đổi tài liệu và thông tin, cũng như chương trình lập pháp của mỗi nước. Các nỗ lực thành công thường bắt đầu từ kênh không chính thức, hoặc thông qua tiến trình kênh 2 hoặc thông qua kênh 1 không chính thức. Sau khi các nỗ lực này cho thấy khả năng thành công nhất định, có thể bắt đầu sử dụng kênh 1 chính thức hơn. 

5. Ngoại giao phòng ngừa nên được thực hiện bởi tất cả các bên muốn tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp, theo hướng khu vực hoặc quốc tế. Các giải pháp chỉ tính đến lợi ích quốc gia hoặc khu vực mà phớt lờ lợi ích của các nước bên ngoài khu vực sẽ không phải là một giải pháp lâu dài, hiệu quả. 

II. Một số nguyên tắc cơ bản cho việc đề ra và thực hiện một sáng kiến không chính thức 

1. Sử dụng cách tiếp cận tập hợp tất cả các bên. Không loại bỏ khỏi quá trình bất cứ quốc gia hoặc bên nào có lợi ích trực tiếp. 

2. Bắt đầu từ các vấn đề ít nhạy cảm hơn trong đó các đại biểu tham dự cảm thấy có thể thảo luận một cách thoải mái mà không gây ra phản ứng bất lợi từ chính phủ của mình. Chẳng hạn, nguồn tài nguyên dầu khí đã cho thấy là một chủ đề nhạy cảm; bảo vệ môi trường là chủ đề thoải mái hơn. 

3. Người tham dự nên là các nhân vật cao cấp hoặc quan trọng trong chính quyền, mặc dù họ tham gia tiến trình bằng năng lực riêng của họ. 

4. Ít nhất ở giai đoạn đầu, không cần thiết phải thể chế hóa cấu trúc của quá trình hay tạo ra một cơ chế lâu dài. Quá trình này nên được giữ càng linh hoạt càng tốt. 

5. Không nên làm nổi bật các bất đồng mà nên tập trung vào hợp tác. Thu hút sự chú ý lớn của quốc tế một cách quá sớm, hoặc quốc tế hóa ngay lập tức quá trình này, có thể có hại về lâu dài. 

6. Do sự nhạy cảm của một số vấn đề, tốt hơn hết là nên bắt đầu từ chỗ có thể làm được và đi theo từng bước, tính đến các nguyên tắc về tính hiệu quả của chi phí. 

7. Nên hiểu rằng quá trình kiểm soát các xung đột tiềm tàng là một tiến trình liên tục và lâu dài, không nên chán nản khi chưa đạt được kết quả cụ thể ngay lập tức. 

8. Các cuộc thảo luận về Biển Đông có ba mục tiêu: tìm hiểu làm cách nào để hợp tác; khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan trực tiếp và tăng cường xây dựng lòng tin để tất cả những người tham gia cảm thấy có thể thảo luận thoải mái về các vấn đề khó khăn. 

9. Vai trò của người đề xướng, người tổ chức, cũng như những người ủng hộ, tài trợ không liên quan trực tiếp là rất quan trọng. Người khởi xướng hoặc tổ chức phải là trung lập, có sự kiên nhẫn và nhạy cảm và có đủ kiến thức về các vấn đề nhạy cảm. Đồng thời, những người này phải có khả năng đảm bảo sự tôn trọng, sự ủng hộ và hợp tác của tất cả những người tham gia; phải tính đến lợi ích của tất cả các bên. 

III. Một số bài học khác 

1. Các nước lớn hơn trong khu vực cần tính đến quan điểm của các nước láng giềng, đặc biệt là các nước nhỏ hơn. Các nước lớn hơn nên thận trọng để không bị coi là thống trị hay bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn. 

2. Nên nỗ lực mở rộng sự tham gia vào các chương trình hợp tác và làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy phát triển các nước khu vực. Càng hợp tác tốt để phát triển các nội dung kinh tế và kỹ thuật vì lợi ích chung, nỗ lực càng có khả năng thành công. 

3. Nên tập trung hơn vào các lợi ích khu vực và lợi ích chung. Các nước khu vực nên học cách theo đuổi lợi ích quốc gia trong khuôn khổ sự hài hòa chung của khu vực; thực tế, họ có thể coi việc theo đuổi các lợi ích khu vực là một phần trong lợi ích quốc gia của mình. 

4. Nên phát triển dần dần từ quan niệm về khả năng phục hồi quốc gia để thúc đẩy sự gắn kết khu vực và khả năng phục hồi khu vực. Kinh nghiệm thực tế của ASEAN rất hữu ích.

5. Một trong những bài học khó khăn nhất khác là các nước trong khu vực nên ít nhạy cảm hơn với khái niệm "chủ quyền quốc gia", vì ngày càng nhiều vấn đề trước đây có thể coi là của quốc gia nhưng ngày càng trở nên mang tính khu vực và có những hàm ý đối với khu vực, như vấn đề môi trường, sự ổn định chính trị nội bộ, và một số vấn đề nhân quyền. ASEAN đã có khả năng phát triển khái niệm này, từ chỗ "hợp tác khu vực" thành "can dự xây dựng", sau này thành khái niệm "tăng cường liên kết hành động" vì lợi ích chung của tất cả mọi người và tạo ra một ý thức về "Cộng đồng", trong các vấn đề chính trị và an ninh, kinh tế hay xã hội. 

6. Các nước trong khu vực nên tránh chạy đua vũ trang với nhau; thực tế, các nước nên phối hợp nhu cầu quốc phòng với nhau để tăng cường sự hài hòa khu vực và sự minh bạch. Có nhiều lĩnh vực hợp tác an ninh phi quân sự có thể đưa ra trong khu vực, mà cuối cùng sẽ tránh được chạy đua vũ trang, chẳng hạn như chống cướp biển, buôn bán ma túy, các vấn đề di dân, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn lậu, ... 

7. Các nước lớn ngoài khu vực, khi có thể, nên ủng hộ sự phát triển một môi trường xây dựng trong khu vực vì hòa bình, ổn định và tiến bộ. Các nước bên ngoài không nên dính líu vào các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, trừ trường hợp được các bên liên quan đề nghị, hoặc nếu hậu quả của việc tranh chấp đó đã gây nguy hiểm hay sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực. 

8. Các nước nên theo đuổi các diễn đàn giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán; song phương nếu tranh chấp là song phương, hoặc đa phương nếu tranh chấp là đa phương. Do hầu hết các bên đều là thành viên của Liên hợp quốc và tham gia Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, và tất cả đều có cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, các nước nên thực hiện cam kết này trên thực tế bằng việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình càng sớm càng tốt. 

9. Nên khai thác và tận dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba, chẳng hạn như thông qua Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Luật Quốc tế. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN 1976 (TAC) cũng đã lập ra những cơ chế nhất định cho việc giải quyết tranh chấp giữa các nước ASEAN, mặc dù chưa bao giờ được sử dụng. Một cơ chế mới cho Biển Đông nên được xem xét, có thể lấy từ TAC hoặc các mô hình khác. 

10. Tại một số khu vực tranh chấp, việc áp dụng khái niệm “khai thác chung” có thể hữu hiệu chừng nào mà vùng tranh chấp, các đối tượng để khai thác chung, cơ chế cho việc khai thác chung và các bên tham gia khai thác chung, có thể xác định được, và các bên liên quan sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc về các chi tiết cho việc khai thác chung tại một khu vực nhất định. 

11. Lợi ích của các nước ngoài khu vực cũng phải được tính đến; sự đóng góp của họ nhằm tránh một cuộc xung đột trong khu vực không nên bị bỏ qua hoàn toàn. 

12. Gần đây có một số ý kiến về việc một số nước ASEAN nên kết hợp lại để đối phó với Trung Quốc trong các vấn đề lãnh thổ và quyền tài phán tại Biển Đông. Điều này khó đạt được vì một số lí do sau: 

a. Bản thân một số nước ASEAN còn có tranh chấp với nhau, chẳng hạn như Philíppin với Ma-lai-xi-a. Thực tế, khi Malaixia và Việt Nam nộp chung báo cáo về thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông cho Ủy ban ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc, cả Philíppin và Trung Quốc đều phản đối. 

b. Trong số 10 nước ASEAN, có bốn nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông (Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Brunây và Philíppin), sáu nước còn lại không liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ với các cấu trúc địa chất trên Biển Đông. Trừ trường hợp có sự đoàn kết, sáu nước này không có lợi ích cụ thể trong việc dính líu tới tranh chấp lãnh thổ này, ngoài nhu cầu đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. 

c. Việc lập ra một "khối thống nhất" ASEAN đối phó với Trung Quốc sẽ là một "cách tiếp cận đối đầu" hơn là "hợp tác". Kinh nghiệm cho thấy Trung Quốc dường như phản hồi tốt hơn với cách tiếp cận "hợp tác" so với "đối đầu"./. 

Theo Jakarta Post (27/6)

 Lê Quang (gt)