C136458_03_South-China-Sea12_thdeilomat.jpg

Với những tính chất này cùng nguồn tài nguyên dồi dào, Biển Đông luôn là “chiến trường” khốc liệt, chứng kiến nhiều cuộc tranh cãi và xung đột lợi ích, là nguyên nhân của không ít căng thẳng giữa các nước trong và ngoài khu vực. 2015 là năm chứng kiến nhiều diễn biến căng thẳng và mang tính bước ngoặt.

Các diễn biến nổi bật

Tình hình Biển Đông trong quý đầu năm 2015 có thể coi là sóng yên biển lặng. Những tháng sau đó bắt đầu xuất hiện nhiều đợt sóng ngầm.

- Tháng 4: Ngày 9/4, Mỹ công bố nhiều bức ảnh chụp vệ tinh gây chấn động về hoạt động xây dựng và bồi lấp các rạn san hô ở Biển Đông của Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Chính quyền Philippines cáo buộc hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển và hủy diệt một vùng san hô rộng lớn, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho hệ sinh thái trong khu vực cũng như cuộc sống của người dân ở các vùng lân cận.

- Tháng 5: Lầu Năm Góc tuyên bố cân nhắc điều tàu chiến và máy bay tới sát các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành xây dựng ở Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Ngày 21/5, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra trên biển và trên không tại các vùng biển quốc tế sau khi Hải quân Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh báo yêu cầu máy bay do thám P8-A Poseidon, một trong những máy bay hiện đại nhất của quân đội Mỹ, phải rời khỏi không phận phía trên vùng biển quốc tế trên Biển Đông. Hãng CNN trước đó đưa tin máy bay bay sát một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông đã 8 lần nhận được cảnh báo từ phía Hải quân Trung Quốc.

- Tháng 6: Ngày 1/6, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Đô đốc Tôn Kiên Quốc tuyên bố Trung Quốc có thể sẽ thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia nhìn nhận đây là hành động mang tính khiêu khích nghiêm trọng. Ngày 17/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đã kết thúc quá trình bồi lấp đảo nhân tạo. Tuy nhiên, đây chỉ là sự biến báo của Trung Quốc bởi trên thực tế họ đã hoàn tất quá trình xây dựng đảo nhưng bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ hai là tập trung phát triển các hạ tầng cơ sở trên đảo nhân tạo. So sánh nhiều bức ảnh vệ tinh chụp từ đầu năm tới cuối tháng 6, người ta thấy Trung Quốc đã cải tạo gần 3 triệu mét vuông ở bãi đá Chữ Thập, khoảng 5,5 triệu mét vuông ở bãi đá Vành Khăn và gần 4 triệu mét vuông ở bãi đá Subi. Trên các hòn đảo nhân tạo này còn thấy rõ sự hiện diện của những đường băng quân sự dài khoảng 3km và một số công trình cảng biển đủ để đón tàu chở dầu cỡ lỡn. Kế hoạch xây dựng của Trung Quốc còn bao gồm các nhà máy sản xuất xi măng, hải đăng, bãi đỗ trực thăng và tháp rađa…

- Tháng 7: Ngày 1/7, Lầu Năm Góc công bố Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, định hướng các biện pháp và cách thức quân đội nước này sẽ áp dụng để bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia và an ninh của Mỹ. Trong chiến lược, Mỹ đã thẳng thắn bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, cho rằng hoạt động này đang "làm gia tăng căng thẳng tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương". Cuối tháng 7, Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 9 đã diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc.

- Tháng 8: Vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành một đề tài nóng bỏng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 48 và các hội nghị liên quan. Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 đã dành 7 điều để nhấn mạnh nội dung này.

- Tháng 9: Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông, song nhấn mạnh nước này có “chủ quyền lịch sử không thể chối cãi” đối với các hòn đảo trên Biển Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc càng phản ánh rõ nét bất đồng sâu sắc giữa hai cường quốc, và là nguyên nhân gián tiếp khiến Mỹ quyết định có những biện pháp răn đe mạnh tay hơn.

- Tháng 10: Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen có trang bị tên lửa hành trình tới Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ tuần tra và thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực. USS Lassen ngày 27/10 đã đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở bãi đá Subi và bãi đá Vành Khăn, ngầm phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với khu vực này. Hành động của Mỹ đã bị Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.

- Cuối tháng 10, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague tuyên bố có thẩm quyền phân xử vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh vẫn giữ lập trường không tham gia vụ kiện, song có thể nói đây là thất bại về mặt pháp lý đầu tiên đối với Trung Quốc.

- Tháng 11: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 6/11 đã tới thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi tàu này đang neo đậu cách quần đảo Trường Sa 320km về phía Nam. Sự hiện diện của ông Carter càng cho thấy sự cương quyết của Mỹ trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Sau đó trong hai ngày liên tiếp từ 8-9/11, Mỹ điều máy bay ném bom B-52 tới gần các đảo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông nhằm tiếp tục thể hiện quan điểm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Tổng thống Obama cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động quân sự ở Biển Đông và thiết lập một cơ chế cụ thể để dàn xếp bất đồng với các nước láng giềng.

- Tháng 12: Mỹ triển khai máy bay P8-Poisedon ở Singapore từ ngày 7-14/12, tiếp tục chọc giận Trung Quốc. Tới giữa tháng 12, Lầu Năm Góc tuyên bố việc máy bay ném bom B-52 của Mỹ ngày 10/12 áp sát Đá Châu Viên, nơi Trung Quốc cũng xây dựng một đảo nhân tạo, là hành động “vô tình” trong khi đang làm nhiệm vụ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc kịch liệt lên án hành động này trong khi Bộ Ngoại giao trao công hàm phản đối chính thức cho phía Mỹ.

"Sóng ngầm" còn kéo dài

Trong năm 2015, tại Biển Đông không xảy ra vụ đụng độ nào quá nghiêm trọng song trong khu vực đã xuất hiện một sự thay đổi cơ bản về cân bằng lực lượng do Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây đảo nhân tạo nhằm tạo hiện trạng có lợi cho các tuyên bố chủ quyền của mình. Điều này đã khiến nhiều quốc gia láng giềng và trong khu vực lo ngại, tìm cách củng cố năng lực quốc phòng trong bối cảnh nguy cơ bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang nghiêm trọng. Các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn chưa thực sự có nhiều chuyển biến đáng kể trong năm 2015. Trên thực tế, ASEAN và Trung Quốc mới chỉ thống nhất chung về hình thức của bộ quy tắc này, song các điều khoản chi tiết vẫn đang được bàn bạc. Các nước ASEAN muốn có một COC mang tính ràng buộc chặt chẽ song đây là điều mà Trung Quốc phản đối.

Mỹ từ trước tới nay vẫn luôn khẳng định đứng ngoài các tranh cãi về chủ quyền trong khu vực, song trước lời kêu gọi của các đồng minh và nguy cơ tầm ảnh hưởng cũng như sức mạnh quân sự trong khu vực bị đe dọa bởi sự nổi lên của Trung Quốc, Mỹ đã gia tăng can dự. Những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, hay các cam kết và hỗ trợ quân sự dành cho các đồng minh và đối tác trong khu vực như Philippines và Việt Nam, càng cho thấy quyết tâm của Washington trong việc kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh. Chính sách xoay trục về châu Á của Washington có thể coi là nhằm đối trọng sức mạnh đang lên của Trung Quốc, và Mỹ cũng đã thông báo kế hoạch trong năm tới sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Tuy nhiên, mối quan tâm của Mỹ có thể nói là chỉ gói gọn trong các khía cạnh tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại, bởi vậy khả năng Mỹ sẽ phản đối các hành động mang tính bành trướng và dọa nạt của Bắc Kinh bằng can thiệp quân sự là không cao.

Trong khi đó, các nước có liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông như Philippines, Indonesia... đã có những tuyên bố và động thái mạnh mẽ hơn nhằm lên án hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đáng nói là Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN kết thúc ngày 6/8 đã có những ngôn từ và nội dung cứng rắn hơn nhằm phản đối các hành vi hung hăng Trung Quốc. Các nước có liên quan đã liên kết, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược để cùng nhau tìm sự ủng hộ và trợ giúp của các nước ngoài khu vực có khả năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và vài nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp. Sự nhập cuộc của Indonesia vào "cuộc chiến trên biển" cũng rất quan trọng vì vai trò của nước này ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương là rất lớn. Indonesia thậm chí còn có ý định xây Trân Châu Cảng ở Biển Đông. Trong khi đó, Singapore cũng mở rộng cửa cho quân đội Mỹ. Về phần mình, Bắc Kinh luôn khẳng định quan điểm chủ quyền của mình tại phần lớn Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân khi nói về vấn đề Biển Đông đã khẳng định: "Không nên đánh đồng các cơ sở quân sự mang tính phòng ngự ở khu vực Biển Đông với những nỗ lực quân sự hóa các đảo và bãi đá tại đây. Chỉ có phát triển lợi ích chung và tìm kiếm những quan điểm chung thì chúng ta mới có thể thu hẹp được những khác biệt và giải quyết được bất đồng cũng như những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông". Những tranh cãi và những cuộc thương lượng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông sẽ còn kéo dài.

Lê Sơn (gt)