10223096684_18077ebe4d_h.jpg

 

Các Đại sứ Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản tại Trung Quốc đã cùng ký vào một bức thư đề ngày 27/2 gửi tới Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn, nhằm phản đối luật chống khủng bố mới cùng hai dự thảo luật về an ninh mạng và quản lý các tổ chức phi chính phủ (NGO). Một số nguồn tin cho biết vào ngày 28/2, Đại sứ EU tại Trung Quốc Hans Dietmar Schweisgut cũng đã gửi một bức thư thể hiện mối quan ngại tương tự với phía Trung Quốc. Luật an ninh mạng và chống khủng bố sẽ cho phép chính quyền Trung Quốc mở rộng quyền hạn nhằm đối phó với các mối đe dọa, như tăng cường công tác kiểm duyệt và kiểm soát các công nghệ. Những người phản đối luật chống khủng bố cho rằng điều luật này có thể bị lạm dụng và biến tướng, khiến những người bất đồng chính kiến ôn hòa cũng bị liệt vào danh sách đen theo định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố trong luật này.

Bốn Đại sứ Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản cho rằng các nội dung trong luật chống khủng bố, được Quốc hội Trung Quốc thông qua hồi tháng 12/2015, là quá mập mờ và có thể tạo ra “bầu không khí bất an” trong giới đầu tư. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao này không nêu cụ thể những nội dung mà họ ám chỉ. Đại sứ EU tại Trung Quốc cũng dùng cụm từ tương tự để miêu tả điều luật này, và cả hai bức thư đều tỏ ý muốn hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này. Hiện phía ông Quách Thanh Côn chưa có phản hồi gì về các bức thư nói trên trong khi Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ Công An và Bộ Ngoại giao nước này cũng không hồi đáp các yêu cầu bình luận về vụ việc này.

Mặc dù việc các quốc gia đưa ra đánh giá về các điều luật sắp có hiệu lực tại Trung Quốc là điều vẫn thường xuyên diễn ra song việc một vài cường quốc và EU cùng có chung phản ứng tiêu cực như thế này cho thấy thực tế là họ đã sẵn sàng gây sức ép lớn hơn đối với Trung Quốc trong các vấn đề này. Điều này cũng cho thấy các nước đã nhận ra rằng cách tiếp cận thiếu cương quyết và đơn lẻ như trước đây không hề hiệu quả. Bức thư của 4 Đại sứ có đoạn: “Mặc dù nhận thức rõ được sự cần thiết phải giải quyết các mối lo ngại về an ninh của các quốc gia song chúng tôi cho rằng các điều luật mới có thể sẽ cản trở hoạt động thương mại, bóp nghẹt đổi mới và xói mòn các cam kết của Trung Quốc trong việc bảo vệ nhân quyền theo luật quốc tế”.

Trung Quốc trước đó đã có những lập luận nhằm bảo vệ các dự luật và đạo luật mới, nhấn mạnh các bước đi này, kể cả việc tăng cường kiểm duyệt, là nhằm đảm bảo sự ổn định cho đất nước có 1,3 tỷ dân này. Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang rất cần sự hợp tác của các cường quốc đứng tên trong bức thư gửi Quốc Vụ viện Trung Quốc. Đà tăng trưởng kinh tế chững lại và sự bất ổn trên thị trường càng khiến lòng tin của giới đầu tư nước ngoài trở thành nhân tố quan trọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ra sức tìm cách có được các cơ hội làm ăn ở nước ngoài và tại EU đang diễn ra không ít cuộc tranh cãi về việc có nên coi Trung Quốc là một “nền kinh tế thị trường” hay không.

Về dự thảo luật an ninh mạng, tất cả 5 vị Đại sứ đều bày tỏ lo ngại về điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ và cung cấp chìa khóa mã hóa cho giới chức địa phương. Các công ty công nghệ lo ngại điều này có thể tác động tiêu cực tới việc bảo mật thông tin và quyền riêng tư, cũng đồng nghĩa với việc luật sở hữu trí tuệ nhạy cảm có thể bị phớt lờ với lý do an ninh.

Không chỉ vậy, các vị Đại sứ cho rằng luật quản lý NGO của Trung Quốc có nguy cơ cản trở nghiêm trọng các hoạt động trao đổi của giới học giả cũng như các hoạt động kinh tế, vốn là “các nhân tố then chốt” trong mối quan hệ của họ với quốc gia châu Á này. Những người chỉ trích cho rằng các dự luật này đe dọa “bóp nghẹt” hoạt động của các NGO bởi những điều khoản buộc các tổ chức này phải nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Trong bức thư đề ngày 27/2, các Đại sứ đã yêu cầu Trung Quốc lấy ý kiến tranh luận của người dân về hai dự luật kể trên.

Người phát ngôn Đại sứ quán Đức Nikolas Bader nói: “Chúng tôi lo ngại các vấn đề này và đã nhiều lần nêu lên quan ngại của mình”. Trong khi đó, Đại sứ quán Nhật Bản thì nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn theo dõi sát sao quyết định về những đạo luật và dự luật liên quan của Trung Quốc”. Một nguồn tin có liên quan cho biết các nước quyết định bày tỏ sự quan ngại một cách cứng rắn hơn sau khi nhận thấy mức độ thiếu tôn trọng của Trung Quốc đối với các phản hồi của họ về một số đạo luật cụ thể. Nguồn tin này cho biết Trung Quốc chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào sau khi nhận được thư, đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi không muốn chỉ nhận được những câu trả lời trên giấy tờ. Chúng tôi muốn những thay đổi trong thực tế”.

Theo “Cnbc

Hương Trà (gt)