Tháng 11/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến dừng chân ở Myanmar trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Campuchia – lần đầu tiên một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới thăm cả hai nước. Trong khi sự xuất hiện của Obama ở Yangon tiêu biểu cho sự ghi nhận quốc tế ngày càng tăng, dù là thận trọng, đối với những bước đi của Myanmar tiến tới cải cách và cam kết với thế giới, nhân viên Nhà Trắng đã nói rõ rằng Obama sẽ không tới Phnom Penh nếu nước này không đăng cai hội nghị thượng đỉnh với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2012. Trong một cuộc gặp ngắn, căng thẳng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Obama đã nêu ra nhiều khiếm khuyết về nhân quyền khác nhau của Campuchia. Trong suốt Hội nghị thượng đỉnh, Campuchia đã chịu nhiều áp lực vì ngăn cản các cuộc họp xã hội dân sự, khi các cư dân nghèo khổ, bị đe dọa cưỡng chế nhà cửa để lấy chỗ mở rộng sân bay, đã vẽ ký hiệu “SOS” trên nóc nhà mình để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo nước ngoài. 

Khi Myanmar đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN năm 2014, nước này cần phải học hỏi kinh nghiệm năm 2012 của Campuchia nếu hy vọng tiếp tục cải thiện danh tiếng của mình. Ou Virak, chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Campuchia, gần đây cười phát biểu rằng Myanmar có thể “không học được nhiều điều tốt, nhưng ít nhất họ có thể học được điều phải tránh” từ Campuchia. Giống nhiều người, Virak lạc quan rằng Myanmar sẽ cố gắng hết mình để tránh một nhiệm kỳ chủ tịch như giai đoạn tương đối đáng hổ thẹn của Campuchia.

Trước chuyến thăm vào tháng 11/2012 của Obama, Campuchia đã chịu nhiều chỉ trích vì gây cản trở cho một cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN thảo luận Biển Đông, nơi Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhiều thành viên của ASEAN. Thế bế tắc này đã dẫn tới việc lần đầu tiên trong lịch sử hơn 4 thập kỷ tồn tại của ASEAN, hiệp hội này không thể ra một thông cáo chung khi kết thúc cuộc họp. Các nước ASEAN khác và các nhà quan sát đã cáo buộc Campuchia hành động do ảnh hưởng của Trung Quốc, một nước ủng hộ tài chính lớn. Tại chính cuộc họp đó, Tổng thống Myanmar Thein Sein và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đã gặp nhau để thảo luận về đầu tư nước ngoài được khôi phục lại vào Myanmar – cuộc gặp thứ hai của họ, sau cuộc họp đầu tiên ở Naypyidaw vào tháng 11/2011. 

Những sự kiện đồng thời này đã chứng minh cho cách thưc Myanmar cái thiện danh tiếng ngược lại với Campuchia kể từ khi Naypyidaw bắt đầu các cải cách vào năm 2011. Ko Ko Hlaing, trưởng cố vấn chính trị của Tổng thống Myanmar Thein Sein, mới đây đã khẳng định rằng Myanmar hiện cởi mở hơn Campuchia khi nói về tự do truyền thông, xã hội dân sự và bầu cử. Theo hầu hết các nguồn tin thì đây là một sự cường điệu. Nhưng bất chấp những lo ngại đang tiếp diễn về bạo lực sắc tộc và lạm dụng quyền lực, hình ảnh quốc tế của Myanmar đã đi lên mạnh mẽ trong thời gian gần đây, trong khi hình ảnh của Campuchia vẫn tiếp tục tồi tệ. Trong năm 2013, Myanmar đã vượt qua Campuchia Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế, khiến Campuchia trở thành thành viên của ASEAN xếp hạng thấp nhất, đứng thứ 160 trong nghiên cứu bao gồm 177 nước. 

Myanmar đã thể hiện việc tái gia nhập cộng đồng quốc tế của mình bằng việc đăng cai Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 6/2013 và sau đó, lần đầu tiên trong hơn 40 năm, Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2013, vừa kết thúc ở Naypyidaw. Nhưng chính chức chủ tịch ASEAN của Myanmar sẽ mang lại cho nước này cơ hội để nêu bật tiến bộ chính trị của mình. 

Ở trong nước, các cải cách của Myanmar bị đe dọa bởi xung đột sắc tộc đang tiếp diễn – cụ thể là bạo lực và sự phân biệt đối xử nhằm vào người Hồi giáo Rohingya – cũng như các trở ngại chính trị khác. Hiến pháp năm 2008 của nước này hiện dành 25% số ghế quốc hội cho quân đội và sẽ ngăn không cho những người có vợ hoặc chồng hay con cái người nước ngoài, kể cả nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2015 sắp tới. 

Tuy nhiên, khi nhắc tới ASEAN, Myanmar đã nhấn mạnh rằng nước này sẽ nỗ lực hết mình để đáp ứng những tiêu chuẩn khu vực khi làm chủ tịch. Vụ trưởng Các vấn đề ASEAN của Myanmar, Aung Lynn, đã nói rằng Myanmar thận trọng quan sát các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và sẽ cộng tác chặt chẽ trong năm 2014 với các thành viên khác về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một mục tiêu từ lâu của các nước như Philippines, vốn có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc. Myanmar đã thành lập một nhóm các chuyên gia và quan chức vào tháng 1/2014 để nghiên cứu vấn đề này trước khi đảm nhận chức chủ tịch của mình. 

Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á và là giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, đã nói rằng vì Myanmar muốn tiếp tục hưởng lợi từ việc nối lại quan hệ quốc tế và đầu tư, nước này sẽ nỗ lực hết mình, không như Campuchia, để tỏ ra là một chủ tịch ASEAN độc lập và một “nhà trung gian thành thật” cho vấn đề Biển Đông. Ông quan sát thấy rằng trong khi nước chủ tịch năm 2013, Brunei , phát triển và ổn định dù không dân chủ, được cho là một nước chủ nhà có năng lực, cam kết rõ ràng với sự cân bằng đáng chú ý hơn ở Myanmar , nước sẽ làm chủ tịch ASEAN lần đầu tiên. 

Thayer cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các nhà ngoại giao của Myanmar . Họ coi việc phản ánh điều ASEAN muốn là nằm trong lợi ích của họ, nhưng cũng nhận thức rõ những sức ép lớn của Trung Quốc áp đặt lên họ”. Do Myanmar cần cân bằng những áp lực này, Thayer dự đoán rằng Myanmar “sẽ đứng về phía ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhưng đó sẽ không phải là một ưu tiên”. Ông nói nó có thể không cần là một ưu tiên, do tranh chấp đang có những bước tiến – dù rất chậm chạp – thông qua các kênh ngoại giao và pháp lý nhất định. Ở Brunei , Trung Quốc đã đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm chính thức với ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử chính thức để quản lý các vùng lãnh hải. Thái Lan, với tư cách là nước điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm chính đối với việc giám sát các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này. Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lên Tòa án Quốc tế về Luật biển – một động thái đã bị Trung Quốc bác bỏ – nhưng tòa án này có thể không ra phán quyết cho tới cuối năm 2014. 

Thayer cho rằng diễn biến chính có thể khiến vấn đề bùng lên một lần nữa và tác động đến nhiệm kỳ chủ tịch của Myanmar sẽ là nếu Trung Quốc tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, như nước này đã làm vào tháng 11/2013 trên một khu vực của biển Hoa Đông chồng lấn với các tuyên bố của Nhật Bản và Hàn Quốc. Với những mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể có một động thái như vậy, và những sự thay đổi chiến lược của Tokyo và Washington đối với khu vực, Myanmar sẽ phải đối mặt với sức ép gia tăng yêu cầu không đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề trên biển, như Campuchia đã làm. Các nhà phân tích nhấn mạnh những hạn chế quyền lực của Myanmar với tư cách là chủ tịch, nhưng họ nói nước này sẽ làm tốt để tiếp tục cách tiếp cận cân bằng mà nước này đã bắt đầu bên cạnh những cải cách khác vào năm 2011 với mục tiêu rõ ràng là giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế và chính trị vào Trung Quốc. 

Peter Tan Keo, một nhà phân tích độc lập chuyên về ASEAN, cho biết: “Bài học cho Myanmar ở đây là tôn trọng truyền thống ASEAN, nghĩa là đi những bước đi ngoại giao nhỏ bé mà không tạo ra căng thẳng chính trị trong các thành viên ASEAN, và biết những giới hạn chiến lược của nó. Nước này sẽ cần phải hiểu vai trò của mình trong việc xử lý các vấn đề, không phải là kiềm chế chúng vì lợi ích chiến lược của riêng mình, như rõ ràng trong trường hợp Campuchia”. Ông nói Myanmar , giống như Lào và Campuchia, không thể không hợp tác khi nước này “ngập sâu trong nợ nần và phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Thay vào đó, nước này phải tiếp tục xây dựng lòng tin và sự nhân nhượng lẫn nhau với các đối tác chiến lược chính trong và ngoài ASEAN, và điều đó bao gồm việc công nhận những tiếng nói về nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự”. 

Chính phủ Myanmar cho tới nay đã phản ứng tích cực với những yêu cầu cho xã hội dân sự tham gia nhiều hơn vào ASEAN, mặc dù các chuyên gia cảnh báo rằng nước này có thể không hành động đúng như lời nói của mình. Aung Myo Min, giám đốc tổ chức phi chính phủ Bình đẳng Myanmar, nói rằng chính phủ đã cho phép Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF), một loạt các cuộc họp xã hội dân sự được tiến hành hàng năm tại nước chủ tịch ASEAN, diễn ra vào tháng 3. Thông qua APF, các nhà hoạt động sẽ phát triển một nghị trình để trình bày với các nhà lãnh đạo chính trị trước hội nghị thượng đỉnh cấp chính phủ vào tháng 5 và đang làm việc với quan chức chính phủ Myanmar để lựa chọn thời điểm cho một cuộc gặp như vậy. 

Aung Myo Min cho rằng đây là một tin tức rất tốt lành, vì “trong các cuộc gặp trước đây, không phải ở Brunei, mà diễn ra ở Campuchia, chính phủ chỉ mời các đại diện được chính phủ lựa chọn, không thực sự là những đại diện của xã hội dân sự”, để chia sẻ ý kiến của họ với các nhà lãnh đạo. Trên thực tế, tại hội nghị thượng đỉnh tháng 4/2012 ở Phnom Penh , Chính phủ Campuchia đã tổ chức cuộc họp APF của riêng mình để cạnh tranh với cuộc họp do xã hội dân sự tổ chức và làm giảm nhẹ các tiếng nói độc lập. Aung Myo Min cho hay Chính phủ Myanmar , nhận ra rằng một đường hướng tương tự sẽ đặt ra những ngờ vực nghiêm trọng đối với sức mạnh cải cách của họ, đã hứa hẹn “công nhận công việc của xã hội dân sự và không có bất kỳ can thiệp nào từ chính phủ”. 

Ngay dù nếu chính phủ nuốt lời hứa, các nhà hoạt động Myanmar hy vọng rằng cách họ tổ chức hội nghị sẽ ngăn chính phủ áp dụng những kỹ thuật “chia để trị”. Kyaw Lin Oo, một điều phối viên của Nhóm Làm việc Diễn đàn Nhân dân Myanmar , nói: “Chúng tôi không muốn một số nhóm thân chính phủ tổ chức một hội nghị và các nhóm khác không thân cận với chính phủ tổ chức một hội nghị, như ở Campuchia. Ở Myanmar vào năm 2014, chúng tôi đã quyết định tất cả các nhóm xã hội dân sự phải đoàn kết, do đó chúng tôi chỉ tổ chức một hội nghị xã hội dân sự cho năm 2014”. Ông lưu ý rằng trong suốt Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2012 ở Campuchia mà ông tham dự, giới chức Phnom Penh đã gây áp lực đối với một số địa điểm và nhà khách để họ không tiếp nhận những người tham gia APF hoặc trục xuất họ. Ngược lại, Aung Myo Min cho hay Chính phủ Myanmar đã nói rằng họ sẽ giúp cung cấp địa điểm và đảm bảo an ninh cho APF. 

Ông Ou Virak thuộc Trung tâm Nhân quyền Campuchia cho rằng trong khi những lời hứa hẹn này là đáng khích lệ, chúng có thể là một phương pháp để bóp nghẹt tác động của các cuộc họp. Ông nói bằng việc đóng cửa các địa điểm và ngăn chặn các cuộc họp, Chính phủ Campuchia cuối cùng lại thu hút nhiều sự chú ý dành cho APF. “Nếu họ thực sự có thể tổ chức những cuộc họp xã hội dân sự đó, thì chúng sẽ có rất ít ảnh hưởng đến cách Campuchia được nhìn nhận với tư cách là chủ tịch”. 

Aung Myo Min cho rằng chiến thuật sẵn sàng giúp đỡ hơn của Myanmar vào năm 2014 có thể không tạo ra nhiều sự khuấy động, nhưng các vấn đề rộng lớn hơn đằng sau các cuộc họp là giống nhau ở cả Campuchia lẫn Myanmar và quả thực mở rộng ra cả ASEAN. Ông nói quan trọng nhất trong số đó là sự thiếu vắng quyền sử dụng đất đai của người nghèo. Theo ông, một lý do khiến Campuchia cản trở APF mạnh mẽ đến vậy là mong muốn của họ làm trệch hướng sự chú ý khỏi nhiều vụ cưỡng chế nhà cửa đối với các cư dân sống gần đó. Ở Myanmar , các dự án như đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc hỗ trợ cũng đã gây ra các cuộc biểu tình quy mô lớn liên quan đến những lo ngại về thiệt hại về môi trường và chiến dịch cưỡng chế các cư dân sống gần đó. Những tuyên bố rằng việc chính phủ tạm dừng dự án Myitsone vào năm 2011 là một dấu hiệu cho thấy thái độ cải cách của họ giờ đây đã bị đặt dấu hỏi bởi những chỉ dấu cho thấy rằng việc xây dựng có thể bắt đầu lại. Aung Myo Min nói do đó điều đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ chủ tịch của Myanmar là nước này phải giải quyết các vấn đề về đất đai tốt hơn so với Campuchia. 

Lưu ý rằng “nhân quyền chưa bao giờ đứng đầu trong nghị trình ASEAN”, Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, nói rằng những dấu hiệu về cách Myanmar tiếp cận chức chủ tịch của mình tỏ ra đầy hứa hẹn nhưng “không có gì thực sự là đã hoàn thành ở Myanmar cho tới khi chúng ta thấy nó diễn ra”. Yuyun Wahyuningrum, cố vấn cấp cao về ASEAN và nhân quyền của Nhóm Làm việc Nhân quyền, một liên minh tổ chức phi chính phủ của Indonesia, nhất trí và cho biết giới chính trị Myanmar sẽ có thể giúp xác định liệu AICHR, cơ quan nhân quyền ASEAN, trở nên “mang tính bao hàm hay loại trừ, tham gia hay khép kín” khi được đánh giá lại vào năm 2014. Nhà phân tích Peter Tan Keo bổ sung rằng Myanmar sẽ cần nhớ lại sự chỉ trích về cách Campuchia xử lý những vấn đề như vậy vào năm 2012, khi các nhà lãnh đạo ký kết một Tuyên bố Nhân quyền ASEAN mà không có ý kiến từ các nhóm xã hội dân sự. 

Keo lưu ý rằng khả năng của Myanmar thúc đẩy đoàn kết sẽ là đặc biệt quan trọng dưới ánh sáng của những kế hoạch của ASEAN nhằm hội nhập thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung vào cuối năm 2015. Ông nói: “Các nước ASEAN hùng mạnh hơn – Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia – không nên ngần ngại nhắc nhở Myanmar về tầm quan trọng của việc duy trì ‘sự đoàn kết ASEAN’, đặc biệt là trong việc xây dựng lòng tin và đặc quyền dành cho nhau để chuẩn bị cho sự kết nối năm 2015. Đừng ích kỷ và thiển cận như Campuchia, nước có thể sẽ nằm trong danh sách ‘bất trị’ của ASEAN một thời gian nữa”. 

Trong khi nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN là một cơ hội cho Myanmar củng cố hơn nữa hình ảnh quốc tế của mình, thực tế khó có khả năng cải thiện với tốc độ tương tự. Cơ sở hạ tầng và các dịch vụ không đầy đủ trong các cuộc họp ASEAN ở thủ đô chưa đến 10 năm tuổi của Myanmar có thể làm mất đi ấn tượng về tiến bộ của Myanmar, nhưng sự bất tiện đó không là gì nếu so với những vấn đề dân số phần lớn rất nghèo của nước này đang phải đối diện, những người cho tới nay hầu như không được lợi gì từ các cải cách. Ou Virak nói: “Phương Tây chỉ đang tìm kiếm cái cớ để quay trở lại Myanmar , có nghĩa là tiến bộ không hoàn toàn phải đáng kể đến thế miễn là Myanmar chỉ ra Myanmar đang thực hiện cải cách”. Joshua Kurlantzick, một thành viên cấp cao về Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, gần đây đã viết: “Nhiều nhà kinh tế và quan chức Myanmar lo ngại rằng lượng viện trợ khổng lồ sẽ biến Myanmar thành một Campuchia khác, nơi hàng thập kỷ viện trợ đã thúc đẩy mở rộng kinh tế nhưng cũng đã gây ra lạm phát, bóp méo nền kinh tế và tạo ra một giới tinh hoa nhỏ hưởng lợi chủ yếu từ đầu tư và viện trợ”. Kurlantzick nói rằng ông nghi ngờ Myanmar đã được trang bị để nắm giữ một cách khéo léo chức chủ tịch ASEAN năm 2014 trong khi bận rộn với các mối lo trong nước. 

Các quan chức Campuchia đã từ chối bình luận về bài học mà Myanmar có thể thu được từ kinh nghiệm chủ tịch ASEAN của Campuchia. Người phát ngôn của chính phủ Ek Tha chỉ đơn thuần nói: “Campuchia luôn luôn ủng hộ việc giải quyết bất kỳ vấn đề nào thông qua các biện pháp hòa bình”. Nhưng đáng lưu ý là do Shinzo Abe đã vươn tới ASEAN, cả Myanmar và Campuchia gần đây đã ký kết những thỏa thuận mới với Nhật Bản. Myanmar đã có được một thỏa thuận đầu tư; Campuchia đồng ý gia tăng hợp tác an ninh hàng hải. Nhật Bản là một trong những nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Campuchia, nhưng thỏa thuận mới này, rõ ràng dựa trên khát vọng dân tộc chủ nghĩa của Abe nhằm kiềm chế Trung Quốc, là đáng chú ý do Campuchia ngăn chặn bất kỳ cuộc đối thoại nào về xung đột Biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng chỉ 1 năm trước. Có lẽ trong những động thái như vậy hướng tới cân bằng các mối quan hệ đối ngoại của mình, Campuchia giờ đây đang làm theo Myanmar.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)