Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/4 vừa qua, hai nguyên thủ đã nhất trí đẩy mạnh quan hệ đồng minh sau một thời gian rạn nứt kể từ khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên cầm quyền. Tuy nhiên, đây cũng là một bước đi nhằm mở rộng khuôn khổ Nhật-Mỹ+1 của hai nước này. Ngày 23/4, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức hội nghị cấp cục trưởng lần thứ hai tại Tôkiô để bàn về các vấn đề khu vực sau khi lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2011 tại Oasinhtơn. Ba nước cũng có kế hoạch sẽ biến đây thành cuộc họp định kỳ và tạo cơ sở xây dựng nền tảng hợp tác ba bên trong thời gian tới. Theo lời một quan chức ngoại giao Nhật Bản tham gia cuộc họp nói trên, ba nước đã đề cập tới vấn đề chuyển từ khuôn khổ hợp tác song phương Nhật-Ấn, Mỹ-Ấn thành hợp tác ba bên. Trước đây, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ chủ yếu tập trung trong lĩnh vực kinh tế, còn giữa Mỹ và Ấn Độ là vấn đề Pakixtan. Khi khuôn khổ hợp tác ba bên được hình thành, các vấn đề thảo luận giữa ba nước đã được mở rộng sang các vấn đề như hợp tác an ninh, an ninh hàng hải từ Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương và cả vấn đề viện trợ cho Mianma. Ngoài Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cũng tiếp tục đẩy mạnh khuôn khổ hợp tác với các nước châu Á khác. Tại Trung Á, quan hệ với Cadắcxtan đang được chú trọng vì nước này có vị trí địa chiến lược quan trọng do có chung biên giới với Trung Quốc và được coi là sân sau của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng phong phú tại Cadắcxtan cũng đang hấp dẫn giới kinh tế Nhật Bản và Mỹ. Do vậy, hai nước này đang có những động thái đẩy mạnh quan hệ với Cadắcxtan thông qua các khuôn khổ hội nghị mới được thành lập.

Tại Đông Nam Á, Philíppin đang là cửa ngõ để Mỹ và Nhật Bản can dự vào những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Đông. Trong tháng 4/2012, Mỹ và Philíppin đã tiến hành tập trận chung qui mô lớn với tình huống giả tưởng “chiếm lại các mỏ khí trên Biển Đông bị chiếm đóng” với sự tham gia của cả Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng cung cấp cho Philíppin một số loại tàu tuần tra dưới hình thức viện trợ ODA sau khi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được nới lỏng. Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ cũng đẩy mạnh khuôn khổ đối thoại với Hàn Quốc, Ôxtrâylia và tiến hành hội đàm cấp chuyên gia với Nga về vấn đề an ninh khu vực châu Á. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục thể hiện tham vọng lớn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong tháng 4/2012, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập qui mô lớn tại Biển Đông, đồng thời thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở tiếp dầu tại quần đảo Hoàng Sa. Thời gian qua, tàu tuần tra Trung Quốc cũng liên tục xuất hiện tại các vùng giáp ranh với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông. Hiện Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo thế hệ thứ 4 nên việc thỏa hiệp lợi ích trên biển với các bên tranh chấp khó có khả năng xảy ra. Các nước châu Á lo ngại cán cân quân sự khu vực sẽ bị phá vỡ nếu Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực hiện đại hóa quân sự như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nhiều nước châu Á muốn tránh đối đầu với Trung Quốc do có quan hệ kinh tế bền chặt với quốc gia này. Do vậy, mặc dù chủ trương hợp tác và không kích động Trung Quốc, nhưng chiến lược Nhật-Mỹ+1 của Tôkiô và Oasinhtơn vẫn chưa rõ có thể mang lại hiệu quả đến đâu. 

Theo "Nikkei"

Vũ Hiền (gt)