Theo hãng tin Kyodo, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt tay vào hàn gắn quan hệ song phương bị sứt mẻ sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc tới quần đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima và cũng đòi chủ quyền. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có thể làm điều tương tự với Trung Quốc hay không xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc đã có cuộc hội đàm không chính thức bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Vladivostok của Nga và hai bên đã nhất trí cần hợp tác thiết lập “quan hệ hướng tới tương lai”.

Cuộc gặp kéo dài 5 phút nằm ngoài kế hoạch này rõ ràng đã thể hiện mong muốn của hai bên làm dịu tranh cãi bùng phát sau chuyến thăm đảo tranh chấp của Tổng thống Li Miêng Pắc hôm 10/8.

Cuộc gặp này cũng được coi là kết quả của những nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ, nước coi quan hệ lành mạnh giữa hai đồng minh châu Á của họ là lợi ích chiến lược, đặc biệt là khi Oasinhtơn đang theo đuổi chiến lược quay trở lại châu Á với ý đồ đóng vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc định hình khu vực.

Cuộc nói chuyện giữa ông Noda và ông Li Miêng Pắc diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp riêng hai ông này bên lề diễn đàn APEC. Phát biểu với các nhà báo, bà Clinton cho biết bà đã nói với cả hai nhà lãnh đạo rằng lợi ích của họ “nằm ở chỗ phải đảm bảo rằng họ cần ‘giảm nhiệt’ và hợp tác đồng điệu với nhau để có cách tiếp cận bình tĩnh và kiềm chế”.

Trong cuộc gặp ngày 8/9 với ông Noda, bà Clinton đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ tích cực giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như giữa hai nước này với Mỹ nhằm giải quyết hiệu quả với các vấn đề khu vực, như chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Các học giả Hàn Quốc cho rằng Xơun đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để bắt đầu hàn gắn quan hệ với Tôkiô. Lee Won Deog, Giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản của trường Đại học Kookmin ở Xơun nói: “Hàn Quốc nhận thấy rằng không có bên nào muốn quan hệ tổng thể giữa hai nước bị hủy hoại. Nhà Xanh và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không muốn chứng kiến những tranh chấp ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương, như hợp tác tài chính và giao lưu văn hóa”. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về việc Nhật Bản sẽ cho thấy những tín hiệu thỏa hiệp với Hàn Quốc về quần đảo Takeshima vì như thế có thể sẽ tác động ngược tới việc xử lý tranh chấp với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku và với Mátxcơva về các hòn đảo phía Bắc Nhật Bản mà Nga đang kiểm soát.

Ông Lee Won Deog dự đoán rằng Tôkiô và Xơun không thể tìm thấy giải pháp nhanh chóng cho vấn đề Takeshima/Dokdo và cho yêu cầu của Xơun đòi bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật thời chiến tranh thế giới II. Hai chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế và an ninh, coi đó là cách để làm tan băng trong quan hệ tổng thể giữa hai nước. 

Bất chấp dấu hiệu khả quan vào việc hàn gắn quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn bất đồng về vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mặc dù ông Noda cũng đã có cuộc gặp kéo dài 15 phút với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề APEC hôm 9/9 nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước.

Các chuyên gia Trung Quốc về Nhật Bản cho rằng nếu Nhật Bản tăng cường kiểm soát quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, điều đó sẽ phá hoại sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước và ảnh hưởng lớn đến tình cảm dân tộc ở Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp đối phó nếu Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư.

Liu Jiangyong, Viện Phó Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc “không thể chấp nhận hành động của Nhật Bản theo đuổi việc quốc hữu hóa quần đảo trong khi đơn phương nhấn mạnh rằng không có tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước”. Ông Liu cảnh báo hành động tiếp theo của Nhật Bản đối với quần đảo sẽ đẩy quan hệ song phương tới “mức độ nghiêm trọng”. Ông cho rằng Nhật Bản trước hết cần công nhận rằng họ đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và cần bắt đầu đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề này.

Các nhà nghiên cứu lo ngại về “khoảng trống ngoại giao” tiềm tàng ở Tôkiô, viện dẫn một số sự kiện chính trị sắp tới như các cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền và Dân chủ Tự do đối lập trong tháng 9, khả năng giải tán hạ viện để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. 

Tương tự, Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi ban lãnh đạo tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào mùa Thu này và Hàn Quốc cũng có kế hoạch bầu cử tổng thống vào tháng 12. Điều này khiến cho mỗi nước khó có thể có thái độ nhượng bộ về các vấn đề ngoại giao. 

Theo Kyodo News

Trần Quang (gt)