Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị ở Nhật Bản có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác ba bên này.Trong tuyên bố báo chí chung được đưa ra sau cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở đảo Bali, Inđônêxia, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto và người đồng cấp của Mỹ và Hàn Quốc đã kêu gọi ba nước hợp tác để giúp làm dịu tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á do các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Phát biểu sau các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng bên lề ARF, Bộ trưởng Matsumoto nói: “Nhật Bản rất quan tâm tới những gì đang diễn ra trên Biển Đông và chúng tôi quan ngại về tình hình trong khu vực này hiện nay”. Ông cũng bày tỏ hy vọng việc tranh chấp chủ quyền trong khu vực này sẽ được “giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế”.

Các phát biểu của Bộ trưởng Matsumoto có vẻ như nhằm vào tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi có một số tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới. Quan điểm của Bộ trưởng Matsumoto đã lặp lại quan điểm của Mỹ, nước vẫn kêu gọi tất cả các bên có liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này đưa ra “các bằng chứng pháp lý” để chứng tỏ cho các tuyên bố chủ quyền của họ.

Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết các thông tin chi tiết về việc Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc sẽ hợp tác với nhau như thế nào trong vấn đề Biển Đông sẽ được bổ sung thêm trước Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Inđônêxia vào tháng 11 tới. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch xây dựng khuôn khổ hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ cùng với 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc quốc tế nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột trên biển trong khu vực này.

Các nguồn tin trên cho biết Nhật Bản lo ngại rằng nếu ASEAN nhượng bộ một cách dễ dàng với Trung Quốc trong lúc soạn thảo các quy tắc về an toàn biển ở Biển Đông, điều đó có thể có những tác động ngược đối với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc. Theo các nguồn tin trên, Chính phủ Nhật Bản hài lòng rằng tuyên bố chung với Hàn Quốc và Mỹ khẳng định ba nước sẽ theo dõi việc soạn thảo các quy tắc trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN.

Tuy nhiên, các nguồn tin này cho rằng thành công ngoại giao có thể sẽ chưa được cụ thể hóa do các sự kiện ở Nhật Bản. Sự hỗn loạn trên chính trường Nhật Bản do Thủ tướng Naoto Kan vẫn tiếp tục tại nhiệm có thể sẽ cản trở chiến lược ngoại giao mới này. Nhiều khả năng Thủ tướng Kan không còn nắm quyền khi Hội nghị Cấp cao Đông Á khai mạc vào tháng 11/2011. Điều này đang làm phức tạp các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm dàn xếp các cuộc thương lượng với những nước khác tham dự hội nghị này bởi vì nhiều khả năng vấn đề Biển Đông có thể sẽ là được người kế nhiệm Thủ tướng Kan xử lý.

  Theo Yomiuri (25/7)

 Hương Trà (gt)