Mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul gần đây có những diễn biến làm nổi rõ sự thù địch. Tất cả những xích mích bắt nguồn từ sự oán giận của người dân Hàn Quốc đối với "sự ngạo mạn và hành vi vô cảm" của Nhật Bản. Trung Quốc đang có cơ hội khai thác mâu thuẫn ngày càng tăng giữa hai quốc gia láng giềng Đông Á này. Ngược lại, những hy vọng của Washington về một "mặt trận ba bên" Mỹ-Nhật-Hàn để đối phó với Triều Tiên và sức mạnh đang lên của Trung Quốc hiện có nguy cơ tiêu tan.

Một phần của những căng thẳng Nhật-Hàn là tranh chấp chủ quyền đối với hòn đảo nhỏ Takeshima/Dokdo. Mặc dù mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến việc kiểm soát các ngư trường, nhưng do sức phá hoại mà tranh cãi này gây ra đối với mối quan hệ song phương giữa hai đồng minh nổi tiếng của Mỹ nên đã trở thành một tranh cãi lớn. Seoul đã thiết lập sự kiểm soát hành chính chính thức đối với hòn đảo đá chủ yếu không có người ở từ năm 1954, bỏ qua sự phản đối của Tokyo rằng khu vực này chính thức thuộc lãnh thổ Nhật Bản từ năm 1905. Tranh chấp giữa hai nước vẫn âm ỉ từ năm 1954, nhưng leo thang thêm vào thập kỷ trước khi Tokyo khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này trong Sách trắng Quốc phòng thường niên. Đổi lại, năm 2012, ông Lee Myung-bak trở thành vị Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên chính thức đến thăm hòn đảo này.

Không dừng lại ở đó, ngày 12/2 vừa qua, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Ngoại trưởng nước này Fumio Kishida đã miêu tả Takeshima là "lãnh thổ bản địa của Nhật Bản". Lập trường này là rõ ràng và không thỏa hiệp hơn so với những người tiền nhiệm của ông Kishida. Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng ngay lập tức và tuyên bố Dokdo là lãnh thổ không thể tranh cãi của Hàn Quốc về lịch sử, địa lý và theo luật pháp quốc tế. Thái độ tức giận của người dân Hàn Quốc cũng đang trở thành một nhân tố quan trọng. Một người làm bánh mì đã quyết định làm một loại "bánh mì Dokdo" có hình dạng của hòn đảo, để trả đũa một người làm bánh mì tại Nhật Bản đã làm "bánh mì Takeshima" năm 2014. 

Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á đương đại thuộc Đại học Temple ở Nhật Bản nói rằng Tokyo không khôn ngoan khi gây sức ép vấn đề này bởi Nhật Bản hoàn toàn không có cơ hội đạt được bất kỳ nhượng bộ nào từ Hàn Quốc. Ông Dujarric nói thêm rằng Trung Quốc đang được lợi từ tranh cãi tăng lên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, rằng tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với Takeshima chỉ giúp Trung Quốc và Triều Tiên gây thêm khó khăn cho Mỹ.

Các học giả nước ngoài có thể không hiểu sự coi trọng của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đối với một tranh chấp lãnh thổ nhỏ như vậy. Nhưng tranh cãi trên là triệu chứng của sự thù địch sâu sắc hơn trong mối quan hệ song phương, bắt nguồn từ lịch sử có liên quan đến việc Nhật Bản thôn tính bán đảo Triều Tiên năm 1910 và những hành vi của thực dân Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo quan điểm của người dân Hàn Quốc, cũng như người dân Trung Quốc và các dân tộc khác ở Đông Á, lập trường của Tokyo đối với những vấn đề lịch sử đang phản ánh việc tiếp tục không muốn nhận trách nhiệm đối với các tội ác chiến tranh trước đây. Bắc Kinh đã hành động khéo léo để tận dụng lợi thế từ sự tức giận của Seoul đối với hành vi của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đã đồng thời đưa ra cảnh báo rằng ông Abe không được "lặp lại" những tuyên bố trước đó về trách nhiệm của Nhật Bản đối với các cuộc tàn sát tại Đông Á nhân lễ kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng vào cuối năm nay.

Sự kết hợp nhiều sự bất bình khác nhau đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhiều lần từ chối các cuộc gặp cấp cao với ông Abe. Lập trường này mâu thuẫn với sự đón tiếp nhiệt tình mà bà Park Geun-hye dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014 tại Seoul. Những động thái của Nhật Bản trong những tuần vừa qua không giúp hướng tới một hội nghị cấp cao Nhật-Hàn hay sự cải thiện trong mối quan hệ song phương. Nhật Bản chắc chắn không muốn giúp cải thiện quan hệ khi hủy bỏ một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Hàn Quốc đã có hiệu lực từ năm 2001. Tình hình thêm tồi tệ do một tuyên bố bất cẩn của một cựu cố vấn cao cấp của ông Abe, người đã thúc giục Tokyo thực thi một hệ thống phân biệt chủng tộc và sắc tộc nếu nước này cần "nhập khẩu" những lao động kỹ năng cao từ nước ngoài. Vì có khả năng trong số các lao động này có người Hàn Quốc, nên nhận xét trên đã xác nhận giả thuyết ngày càng lan rộng tại Hàn Quốc về sự tiếp tục ngạo mạn và phân biệt chủng tộc của Nhật Bản.

Sự căng thẳng ngày càng tăng giữa Nhật Bàn và Hàn Quốc đang khiến Mỹ quan ngại. Các quan chức chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thúc ép Seoul và Tokyo giải quyết những bất đồng của họ trong tranh chấp chủ quyền đảo Takeshima/Dokdo và các vấn đề khác. Các nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng một sự hòa giải toàn diện giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là bắt buộc để tạo điều kiện thuận lợi cho một sự hợp tác ba bên trong khu vực.

Theo China-US Focus

Văn Cường (gt)