Báo cáo tạm thời về việc sửa đổi này sẽ được công bố sớm nhất vào ngày 26/7 trong khi những kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Thủ tướng chủ chiến Abe lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 12/2012, đã cam kết củng cố quân đội để đối phó với điều mà Nhật Bản nhìn nhận là mối đe dọa an ninh ngày càng tăng lên bao gồm một Trung Quốc hung hăng và một Bắc Triều Tiên khó dự đoán. Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản - do lực lượng Mỹ chiếm đóng soạn thảo sau thất bại của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II - bác bỏ quyền được tham chiến và nếu theo đúng nghĩa đen, bác bỏ tất cả các khái niệm về quân đội thường trực. Tuy nhiên, trên thực tế, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn là một trong số các quân đội mạnh nhất châu Á.

Theo tờ "Yomiuri" và các phương tiện truyền thông Nhật Bản khác, trong báo cáo tạm thời, Bộ Quốc phòng sẽ đề xuất nghiên cứu biện pháp để "tăng cường khả năng ngăn chặn và đáp trả các tên lửa đạn đạo". Theo tờ "Yomiuri", vì lý do nhạy cảm, báo cáo sẽ không nhắc đến cụ thể khả năng tấn công các căn cứ của đối phương khi mối đe dọa tấn công sắp xảy ra. Theo giới truyền thông, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét mua máy bay do thám không người lái và thiết lập lực lượng Hải quân lục chiến để bảo vệ các đảo xa, ví dụ như các đảo ở trung tâm vùng tranh chấp với Trung Quốc.Marushige Michishita, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, nói: "Việc quân đội có được khả năng tấn công sẽ là thay đổi cơ bản trong chính sách quốc phòng của chúng tôi - như là một thay đổi về mặt triết học". Tuy nhiên, việc quân đội có được khả năng này cần nhiều thời gian, chi phí và chương trình huấn luyện. Điều này đồng nghĩa rằng bất cứ thay đổi nào đều mang tính khoa trương hơn là thực tế. 

Theo ý của Thủ tướng Abe, các chính sách cũng có thể được sửa đổi theo hướng gỡ bỏ các lệnh cấm (do Tokyo tự áp đặt) thực thi quyền phòng thủ chung, hay hỗ trợ đồng minh bị tấn công, ví dụ như trong trường hợp Bắc Triều Tiên tiến hành tấn công Mỹ. Ngoài ra đợt sửa đổi này có thể sẽ đề nghị việc thay đổi lệnh cấm (do Tokyo tự áp đặt) xuất khẩu vũ khí, vốn đã được nới lỏng nhiều lần, để giúp các nhà thầu vũ khí quốc phòng Nhật Bản dễ dàng hơn trong việc tham gia các dự án quốc tế và để giảm chi phí đấu thầu.Trung Quốc, nước đang có mối quan hệ căng thẳng với Nhật Bản xung quanh các hòn đảo tranh chấp và lịch sử thời chiến của Nhật Bản, sẽ phản đối mạnh mẽ các đề xuất nêu trên. Michael Green của Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ ở Washington nói: "Cho dù Nhật Bản có giải thích như thế nào, thì Trung Quốc vẫn sẽ chỉ trích Nhật Bản rất dữ dội".

Mặc dù Trung Quốc là cường quốc hạt nhân trong nhiều thập kỷ qua và Bắc Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Nhật Bản cho biết nước này không có ý định như vậy.Ngày càng có nhiều người ở Nhật Bản ủng hộ nước này phát triển quân đội mạnh hơn bởi các lo ngại về Trung Quốc, song phe đối lập vẫn giữ nguyên lập trường.Nhật Bản sửa đổi những Nguyên tắc Chỉ đạo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia lần gần đây nhất vào năm 2010 khi Đảng Dân chủ Nhật Bản đang nắm quyền. Các thay đổi đó bao gồm việc giảm dần hệ thống phòng thủ Nhật Bản ở phía Bắc (nơi việc triển khai là kết quả của chiến tranh Lạnh) để chuyển sang tăng cường khả năng phòng thủ nhằm đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ ở phía Nam - nơi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc xung quanh các đảo nhỏ không người sinh sống. Nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã nới lỏng những hạn chế của Điều 9 và từ lâu tuyên bố nước này có quyền tấn công các căn cứ của kẻ thù ở bên ngoài nếu ý định tấn công Nhật Bản của kẻ thù đã rõ và Tokyo không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, trong khi các chính quyền trước đây không trang bị các vũ khí hạng nặng để phòng thủ, thì Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe vào tháng 6/2013 đã yêu cầu chính phủ xem xét việc trang bị này. Tuy nhiên, chưa rõ Tokyo có xem xét trang bị các vũ khí hạng nặng hay không vì với khoản nợ công khổng lồ, Nhật Bản có thể sẽ không có khả năng chi trả.Theo chuyên gia Michishita, việc có được khả năng bắn hạ các bệ phóng tên lửa di động ở Bắc Triều Tiên sẽ cần đến các máy bay tấn công cũng như năng lực tình báo, mà để có được những khả năng đó, Nhật Bản sẽ phải dựa vào Mỹ. Các tên lửa hành trình có thể cũng được xem xét. Theo các chuyên gia, việc có được khả năng tấn công các căn cứ tên lửa ở Trung Quốc Đại lục cần đến sự đầu tư lớn hơn, ví dụ như cần phải có tên lửa xuyên lục địa. Chuyên gia Michishita nói: "Việc này sẽ tốn rất nhiều tiền, thời gian, các chương trình luyện tập và đào tạo để có được năng lực quốc phòng mạnh và có ý nghĩa". 

Theo “Reuters” (ngày 25/7)

Vũ Hiền (gt)