Máy bay tuần tra P-3C Orion và máy bay tuần tra Islander đã thực hiện nhiệm vụ “tìm kiếm và cứu hộ” tại khu vực cách đảo Palawan của Philippines 80 km. Hai máy bay này đã bay về hướng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 650 km, là nơi có nhiều trữ lượng dầu khí mà Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, các quan chức không tiết lộ hai máy bay này có bay vào không phận Bãi Cỏ Rong hay không.

Trước đó, ngày 23/6, Nhật Bản và Philippines cũng thực hiện một hành động tương tự, khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên án Tokyo và Manila có hành động gây bất ổn trong khu vực. Ông Lục Khảng nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan không cố tình làm gia tăng căng thẳng. Bất kỳ hoạt động nào giữa các nước cũng phải góp phần vào ổn định và hòa bình trong khu vực.”

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của Trung Quốc, ngày 24/6, Tướng Hiromi Hamano - Tư lệnh hải quân Nhật Bản - đã tuyên bố tại đảo Palawan rằng hải quân Nhật Bản và Philippines sẽ tiếp tục các cuộc diễn tập. Nữ phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng nêu rõ: “Mục đích của cuộc tập trận này là nhằm nâng cao năng lực cho Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản trong công tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chứ không phải tiến hành các hoạt động do thám”. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, tuy không nêu đích danh Trung Quốc, đã đề nghị “không nên coi các chuyến bay nói trên thể hiện thái độ đối đầu”. Mặc dù Bãi Cỏ Rong nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines nhưng Bắc Kinh, với bản đồ đường “lưỡi bò 9 đoạn” và tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, đã khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đang bị Philipines xâm phạm.

Tiếp theo cuộc tập trận chung mang tính lịch sử hồi tháng 5 vừa qua, đây là lần thứ hai quân đội Nhật Bản và Philippines phối hợp tập trận trên biển với mục đích “cứu trợ nhân đạo”. Theo nhận định của hãng tin AFP, chiến lược xâm lấn trên biển của Trung Quốc đã tạo cơ hội để Nhật Bản và Philippines hợp tác quân sự.

Máy bay P-3C Orion được dùng cho diễn tập cứu hộ đối phó với thiên tai. Loại máy bay này cũng được xem là nỗ lực chính của Nhật Bản trong hoạt động chống tàu ngầm và do thám từ trên không. Trên lý thuyết, máy bay này có thể giúp Mỹ “để mắt” tới hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia quốc phòng Narushige Michishita của Viện Nghiên cứu Chính sách tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết: “Nhiều khả năng, chúng ta sẽ thấy Nhật Bản sẽ có hoạt động trinh sát và do thám tại Biển Đông trong những năm tới. Nhật Bản sẽ thực hiện điều này cùng với Mỹ, Úc, Philippines và các nước khác”.

Corey Wallace, nhà phân tích an ninh thuộc trường Đại học Freie ở Berlin (Đức), nhận định rằng chính phủ đương nhiệm ở Nhật Bản đang thiết lập những cơ chế về pháp lý và quân sự cần thiết để chuẩn bị cho tình huống Nhật Bản can dự trực tiếp vào vấn đề Biển Đông. Theo ông Corey Wallace, với hành động mới nhất, Nhật Bản dường như muốn phát tín hiệu cho thấy sự nghiêm túc của chính phủ nước này trong việc cân nhắc về vai trò của họ trong vấn đề Biển Đông thời gian tới. Nếu điều này thực sự diễn ra, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc - nước đang có tranh chấp quần đảo Senkaku với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

Phát biểu tại Tokyo trong một chuyến đi thăm Nhật Bản mới đây, tân Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris, đã hoan nghênh việc Nhật Bản sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn để bảo vệ an ninh khu vực khi mà Washington đang trông đợi sự hỗ trợ từ Nhật Bản, Úc và các đồng minh khác để đối phó với các thách thức từ Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Theo AFP, AP