“Nhật Bản trước tiên” và “Nhật Bản toàn cầu”

Logic đằng sau quan điểm “Nhật Bản trước tiên” rất đơn giản. Nếu xét tới nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn mà Nhật Bản có thể dành cho chính sách ngoại giao, an ninh và quốc phòng, người ta có thể lập luận rằng Nhật Bản cần tập trung các nguồn lực sẵn có cho các lợi ích cốt lõi được giới hạn một cách nghiêm ngặt, đặc biệt là việc giải quyết các mối đe dọa và thách thức liên quan đến đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông - vốn do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền - và chương trình phát triển hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Giá trị của mối quan hệ đối tác chính trị và an ninh của Nhật Bản với các nước khác được đánh giá dựa trên mức độ mà ở đó các đối tác có thể giúp Nhật Bản giải quyết các mối đe dọa và thách thức ngay trước mắt.

Theo cách nhìn nhận này, các quốc gia khác ngoài Mỹ - đồng minh hiệp ước duy nhất của Nhật Bản - đều có thể bị coi là đối tác thứ yếu hay không liên quan. Họ tin rằng các đối tác khác, ngoại trừ Mỹ, không thể làm được gì thực chất cho Nhật Bản. Kết quả là phạm vi địa chính trị của lợi ích an ninh của Nhật Bản, theo quan điểm “Nhật Bản trước tiên”, đã thu hẹp đáng kể trong nhiều năm qua trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh nước này. Họ tin rằng Nhật Bản đang rất bận rộn và không còn nhiều thời gian, năng lượng và nguồn lực để nghĩ tới các đối tác ít liên quan hơn. Theo họ, hợp tác toàn cầu chỉ là sự lãng phí nguồn lực.

Ngược lại, những người theo quan điểm “Nhật Bản toàn cầu” lập luận rằng bởi môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên “khắc nghiệt” hơn bao giờ hết, Tokyo cần bắt tay với nhiều đối tác chính trị và an ninh với hy vọng có được sự ủng hộ chính trị và ngoại giao để giải quyết mối đe dọa Triều Tiên và sự hung hăng ngày một gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ý tưởng cơ bản ở đây là tận dụng một loạt các đối tác để giúp họ giải quyết các mối đe dọa và thách thức mà Nhật Bản đang đối mặt.

Sự cạnh tranh giữa hai trường phái

Hai trường phái “Nhật Bản trước tiên” và “Nhật Bản toàn cầu” đang cạnh tranh lẫn nhau trong một loạt các vấn đề và sự cân bằng quyền lực, hay cụ thể hơn là đưa ra các thỏa hiệp trong định hướng chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của Nhật Bản. Chiến dịch chống cướp biển trên Vịnh Aden và ngoài khơi Somalia là ví dụ điển hình. Đối với những người theo quan điểm “Nhật Bản toàn cầu", việc bảo vệ Các tuyến đường liên lạc trên biển (SLOCs), bao gồm tại khu vực cách xa Nhật Bản, luôn là một phần trong lợi ích cốt lõi của Nhật Bản và việc triển khai các tàu thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) mang lại lợi ích lớn hơn cho Tokyo bởi điều này sẽ giúp thiết lập các quan hệ đối tác hàng hải trên khắp thế giới.

Mặt khác, những người theo quan điểm “Nhật Bản trước tiên” cho rằng chiến dịch chống cướp biển là sự lãng phí không cần thiết các nguồn lực khan hiếm của Nhật Bản. Họ lập luận rằng JMSDF đang “quá sức” do cường độ hoạt động cao trên biển Hoa Đông. Theo họ, Nhật Bản cần tập trung nguồn lực cho các vấn đề quan trọng, như các vấn đề liên quan trực tiếp đến sự toàn vẹn lãnh thổ như tranh chấp ở đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Kết quả của sự thỏa hiệp giữa hai bên là Tokyo đã quyết định tiếp tục chiến dịch này nhưng giảm thiểu số lượng tàu tham gia vào chiến dịch chống cướp biển từ 2 xuống 1 tàu vào cuối năm 2016. Bên cạnh đó, ý tưởng tăng cường hợp tác trên Biển Đông cũng bị vấp phải sự phản đối từ những người cho rằng các nguồn tài nguyên quý báu của Nhật Bản nên được tập trung vào vùng Biển Hoa Đông, nơi mối nguy hiểm đang ở mức cao hơn.

Tại sao lại xuất hiện quan điểm sai lầm?

Dường như có sự khác biệt đáng kể giữa tình hình thực tại ở Nhật Bản và quan điểm ngoài nước trong bối cảnh giới quan sát dường như nghiêng về quan điểm “Nhật Bản toàn cầu”. Ví dụ như tại Mỹ, các quan chức hoạch định chính sách liên quan tới liên minh Mỹ-Nhật, cũng như những người đang cảnh báo Nhật Bản về con đường phía trước hướng tới việc bình thường hóa và quân phiệt hóa trở lại, luôn muốn nêu bật giá trị của Nhật Bản như là một đồng minh dù nhằm các mục đích khác nhau.

Lý do khiến các nhà quan sát nước ngoài tiếp xúc nhiều hơn với những người theo quan điểm “Nhật Bản toàn cầu” là bởi họ chủ yếu trò chuyện với các chính khách, quan chức và chuyên gia Nhật Bản nói được tiếng Anh, những người có xu hướng đại diện cho phe “Nhật Bản toàn cầu”. Mặc dù một số người Nhật, bao gồm các quan chức chính phủ, nhận thấy sự khác biệt này, nhưng họ không có động lực mạnh mẽ để tìm cách khắc phục chúng, bởi việc thúc đẩy hình ảnh “Nhật Bản toàn cầu” không bị cho là tổn hại đến hình ảnh nói chung của Nhật Bản trên thế giới.

Sự cạnh tranh chính sách giữa phe “Nhật Bản trước tiên” và “Nhật Bản toàn cầu” phản ánh tình trạng các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại và an ninh tại Nhật Bản và tình trạng này sẽ vẫn kéo dài trong tương lai gần. Mặc dù việc dự đoán về đường hướng tương lai không bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng bối cảnh mà những người theo quan điểm “Nhật Bản trước tiên” cho là chiếm ưu thế sẽ tiếp tục kéo dài bất luận tất cả các thành tựu của chính sách đối ngoại toàn cầu của ông Abe và “đóng góp tích cực cho hòa bình”. Đây là tin tốt lành đối với một số người, nhưng lại là tin dữ với một số khác.

Tác giả Michito Tsuruoka là Phó Giáo sư đại học Keio (Nhật Bản). Bài viết đăng trên mạng “National interest”.

Mỹ Anh (gt)