Khi lên nắm quyền cách đây ba năm, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã cam kết cải cách chính sách đối ngoại triệt để. DPJ muốn cân bằng các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc bằng cách giải quyết việc "quá phụ thuộc" vào Mỹ và quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Theo cách nói của Thủ tướng Nhật khi đó là Yukio Hatoyama, trong một thế giới chuyển từ đơn cực của Mỹ sang đa cực, Nhật Bản sẽ khám phá lại châu Á như là "chỗ đứng cơ bản cho sự tồn tại của nước này".Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), đây là một tầm nhìn rộng. Điều đó càng trở nên rõ ràng hơn khi mà tuần này Tôkiô đã quyết định thay Đại sứ tại Bắc Kinh sau khi căng thẳng Trung-Nhật lại bùng phát liên quan tới vấn đề chủ quyền của quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Kể từ khi DPJ lên nắm quyền, Nhật Bản vẫn chưa thể thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ, vốn là đồng minh quan trọng nhất của nước này, cũng gần xuống mức thấp nhất sau nhiều năm Mỹ thấy thất vọng với những hiệp định liên quan đến vấn đề sắp xếp lại căn cứ và quân đồn trú của Mỹ trên đất Nhật. Nhật Bản sẽ không chỉ thay Đại sứ ở Bắc Kinh mà nước này cũng sẽ cử đại diện ngoại giao mới tới Oasinhtơn và Xơun, sau vụ tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc. Có nhiều lý do rõ ràng khiến cho Tôkiô tiếp tục các mối quan hệ khó khăn với châu Á, trong đó có nhiều nước mà Nhật đã cố xâm chiếm cách đây 7 thập kỷ. Những tranh cãi về lãnh thổ, sách giáo khoa lịch sử, đài tưởng niệm, quyền đánh bắt cá và trữ lượng dầu mỏ chỉ là một vài lý do. Gốc rễ của tất cả những vấn đề này là cách cư xử của Nhật Bản trong thời gian chiến tranh và sự bất lực của nước này - ít nhất là trong con mắt của những nước láng giềng - để chuộc lỗi một cách thích đáng vì những gì Nhật Bản gây ra.

Nhật Bản đã bắt chước phương Tây trong mọi việc, trong đó có cả cách thức xâm lược nước khác. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản vẫn ở trong cùng phe phái với phương Tây. Ban đầu bị Mỹ chiếm đóng, Nhật Bản sau đó đã bị kìm hãm trong mối quan hệ phụ thuộc với Mỹ và bị tước đi quyền duy trì quân đội hay theo đuổi một chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập. Có hàng chục triệu người Nhật biết rõ Nhật Bản đã làm gì trong chiến tranh. Nhiều quân nhân Nhật đã dũng cảm nói ra những hành động tàn ác mà họ đã phạm phải. Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi vì cách cư xử của nước này. Thế nhưng Nhật vẫn chưa thể giải quyết được "vấn đề lịch sử" một cách triệt để như Đức đã làm vì một vài lý do. Một trong những lý do đó là sau Chiến tranh Thế giới thứ II, châu Á rơi vào cuộc Chiến tranh Lạnh khiến Nhật có rất ít cơ hội để hòa giải về việc chia rẽ tư tưởng. Khi Chiến tranh Lạnh đã lùi xa, vấn đề lịch sử lại được khuấy lên.

Việc tranh cãi chủ quyền quần đảo Senkaku có từ thời kỳ đầu chủ nghĩa thực dân Nhật. Nhật Bản tiến hành khảo sát Senkaku năm 1885. Cho rằng không có dấu hiệu quần đảo này nằm dưới ảnh hưởng của bất cứ ai nên Nhật đã sáp nhập Senkaku vào lãnh thổ của nước này năm 1895. Bắc Kinh lại cho rằng quần đảo này xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc từ thế kỷ 16. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Nhật Bản đã chiếm giữ quần đảo này khi bắt đầu cuộc chiến xâm chiếm thuộc địa. Người Mỹ đã quản lý quần đảo Senkaku sau chiến tranh và trả lại cho Tôkiô năm 1972 như một phần của việc đòi lại Okinawa về Nhật Bản. Bắc Kinh cho rằng Mỹ không có quyền trả lại quần đảo này vì đó không phải là của Mỹ.

Với những lý do được nhắc lại đó, có vẻ như điều này rất phù hợp để Bắc Kinh duy trì lòng căm thù trong lịch sử. Đặng Tiểu Bình đã tìm cách chôn vùi những bất đồng, nhưng thời gian gần đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn khai quật chúng lên một lần nữa. Quần đảo không có người ở này sẽ trở thành một phần của cuộc đối đầu chiến lược lớn hơn nhiều giữa một Trung Quốc đang nổi lên và Mỹ. Toàn bộ quá trình này không hẳn nằm hoàn toàn trong tay Bắc Kinh. Thật khó có thể biết được những mâu thuẫn này sẽ đi đến đâu. Giải pháp lâu dài duy nhất có thể là do cộng đồng châu Á đưa ra với sự tham gia của Liên minh châu Âu nhằm đưa những cựu thù lại với nhau. Nhưng triển vọng cho một kế hoạch như vậy cần phải có động lực mà trong vài năm tới, thậm chí là vài thập kỷ, gần như là không có. 

Theo Financial Times (ngày 22/8)

Mỹ Anh (gt)