Trong cuộc tập trận nhằm củng cố khả năng phòng vệ tại các hòn đảo xa bờ, Nhật Bản đã lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối hạm Type-88 trên đảo Miyako. Cuối ngày 7/11, thêm bốn tên lửa cũng đã được chuyển tới đảo Okinawa, và hiện chưa rõ số tên lửa này sẽ được triển khai tại đây trong bao lâu. Phát ngôn viên Bộ Tham mưu Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nói rằng "đây là lần đầu tiên" hệ thống tên lửa này được đưa đến Miyako và nhấn mạnh các tên lửa tuy đã được triển khai song chưa thể khai hỏa và "cuộc tập trận là nhằm mục đích củng cố năng lực phòng vệ cho các hòn đảo này".

Mặc dù quân đội Nhật Bản khẳng định các tên lửa chưa thể khai hỏa song giới quan sát cho rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ này cũng đủ khiến người ta phải lưu tâm. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận từ ngày 1/11 vừa qua, với sự tham gia của khoảng 34.000 binh sỹ, 6 tàu chiến và 360 máy bay.

Cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và nhiều quốc gia trong khu vực ngày càng lo ngại về sức mạnh không ngừng gia tăng của quân đội Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc gần đây rất tích cực tìm cách mở rộng tầm với trên Thái Bình Dương trong khi liên tục vướng vào các tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Tokyo tại Biển Hoa Đông và với nhiều quốc gia khác tại Biển Đông, nơi cường quốc này tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng lãnh hải.

Các hòn đảo mà Nhật Bản sở hữu chia tách Biển Hoa Đông với Thái Bình Dương, đồng thời tạo thành một vành đai vây quanh các khu vực thuộc chủ quyền Trung Quốc nằm ở phía Bắc Nhật Bản. Eo biển giữa đảo Miyako và đảo Okinawa là một trong số ít cửa ngõ trực tiếp vào Thái Bình Dương. Theo truyền thông Nhật Bản, cuộc tập trận mà nước này đang tiến hành sẽ đặt eo biển rộng khoảng 300km (tương đương 190 dặm) giữa Okinawa và Miyako nằm trong tầm hoạt động của hệ thống tên lửa này.

Tokyo nói rằng cuộc tập trận bắt đầu hôm 1/11 vừa qua không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào song giới lãnh đạo Nhật Bản gần đây đã công khai bày tỏ thái độ không hài lòng và lo lắng khi Trung Quốc không ngừng gia tăng các tuyên bố chủ quyền lãnh hải. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đang chuẩn bị thành lập một đơn vị đặc biệt, tương tự Quân đoàn Lính thủy đánh bộ của Mỹ, có trách nhiệm bảo vệ các hòn đảo và tái chiếm trong trường hợp bị mất.

Bắc Kinh vẫn thường xuyên điều tàu tới các vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Động thái này đã làm gia tăng không ít nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước. Mới đây nhất, ngày 7/11, bốn tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo Senkaku - hiện do Tokyo kiểm soát. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu này đã lưu trú tại khu vực này trong khoảng 90 phút trước khi rút đi.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này đã trở nên hết sức căng thẳng vào cuối năm 2012, và thực tế là việc chủ nghĩa dân tộc tại cả hai nước lên cao càng "đổ thêm dầu vào lửa" trong các tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tại Trung Quốc, các ký ức thời chiến càng làm gia tăng tư tưởng phản đối Nhật Bản trong khi Tokyo luôn không hài lòng với việc nước láng giềng không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự.

Cuộc tập trận đang diễn ra tại Nhật Bản đã khiến Bắc Kinh hết sức tức giận, và truyền thông nước này khẳng định cuộc tập trận này là nhằm vào Trung Quốc. Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" - có mối quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản Trung Quốc - đăng tải trên trang nhất số ra ngày 7/11 bài viết cho rằng quyết định lắp đặt các tên lửa trên đảo Miyako của Nhật Bản là "động thái chưa từng có tiền lệ mà giới chuyên gia cho là nhằm ngăn cản Hải quân Trung Quốc". Tờ báo trích dẫn bình luận của chuyên gia về Hải quân của Trung Quốc Li Jie nói rằng "việc (Nhật Bản) triển khai tên lửa chủ yếu nhằm chống lại Trung Quốc và hành động này có thể đe dọa thực sự tới Hải quân Trung Quốc".

Theo AFP

Thùy Anh (gt)