Tuy nhiên, sự can dự của Nhật Bản vào các cuộc tranh chấp trên Biển Đông đang gặp nhiều khó khăn do đề xuất này không nhận được sự ủng hộ của quốc tế và đang gây tức giận cho Trung Quốc.

Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra đề xuất trên tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sắp tới ở Inđônêxia vào ngày 19/11 tới trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Nhật Bản e ngại rằng sự bành trướng của Trung Quốc chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Tôkiô và Bắc Kinh ở biển Hoa Đông. 

Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng lôi kéo Ấn Độ và các nước Đông Nam Á ủng hộ sáng kiến thành lập diễn đàn mới này. Trong cuộc gặp với người đồng cấp A.K. Antony của Ấn Độ ở Tôkiô hôm 2/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Ấn Độ có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Các bộ trưởng hai nước đã nhất trí rằng Lực lượng Phòng vệ Trên biển (MSDF) của Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung và có các hoạt động thăm viếng nhau. Động thái này là một phần trong các nỗ lực của Nhật Bản nhằm chống lại sự bành trướng ở trên biển của Trung Quốc - một vấn đề an ninh trọng yếu mà Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đang phải đối mặt.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo của Anh vào cuối tháng 10, Thủ tướng Noda nhấn mạnh tình trạng bất ổn đang nổi lên trong môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản khi đề cập tới các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một thành viên chủ chốt trong nội các Nhật Bản nói nếu tuyên bố của Trung Quốc rằng các hòn đảo trên Biển Đông thuộc chủ quyền của nước này mà nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bất chấp tuyên bố đó thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, thì chắc chắn vị thế của Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Nhật Bản đang vận động hành lang để đưa vào tuyên bố chung của EAS sắp tới ba điểm sau: tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nước thành viên khác của EAS thành lập diễn đàn mới này. Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngả theo hướng sử dụng Diễn đàn An ninh Hàng hải ASEAN hiện nay như một sự thỏa hiệp. Các nguồn tin Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Mỹ và ASEAN ủng hộ việc sử dụng Diễn đàn An ninh Hàng hải ASEAN sau khi Trung Quốc có phản ứng quyết liệt đối với sáng kiến của Nhật Bản. Một tờ báo của Trung Quốc đã coi đề xuất trên của Nhật Bản là một nỗ lực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông và bành trướng về phía Nam.

Thủ tướng Noda dự kiến sẽ thăm Ấn Độ trong năm nay và có thể sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ về các vấn đề liên quan tới Biển Đông. Điều này cũng đang gây lo lắng cho Trung Quốc. Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về các động thái của Ấn Độ bởi vì Ấn Độ và Việt Nam, nước có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đang hợp tác để khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển này. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tìm kiếm các mối quan hệ ổn định với cộng đồng quốc tế vì nhiều thành viên trong ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ bị thay thế bằng thế hệ trẻ hơn trong cuộc chuyển giao quyền lực vào năm 2012. Vì vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại khi nói rằng nước này hy vọng các nước bên ngoài khu vực này chỉ nên có các hành động đóng góp cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo: “Nhật Bản cần phải cân nhắc một cách tương đối những gì sẽ thực sự phục vụ cho các lợi ích quốc gia của nước này”.

Một phóng viên ở Trung Quốc am hiểu về chính sách đối ngoại của Chính phủ Trung Quốc nói rằng Nhật Bản nên im lặng trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông. Phóng viên này nói: “Nhật Bản sẽ cảm thấy phiền toái nếu Trung Quốc can dự vào vấn đề tranh chấp quần đảo Takeshima giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và ủng hộ Xơun tại một hội nghị quốc tế. Các bên không liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông cần im lặng”.

Theo Asashi Shimbun

Thuỳ Anh(gt)