Báo giới Nhật Bản cho biết cuộc tập trận lớn với sự điều động quân từ Bắc xuống Nam này là nhằm chuẩn bị cho việc tăng cường phòng ngự khu vực Tây Nam, “kẻ thù giả định” của cuộc tập trận chính là Trung Quốc. Trong khi đó, báo giới nước ngoài nhận định “sự điều động từ Bắc xuống Nam” của lực lượng phòng vệ Nhật Bản là nhằm “tranh giành” với Trung Quốc vỉa dầu ở biển Hoa Đông, liên thủ với Mỹ bảo vệ Đài Loan và chuẩn bị quân sự cho việc mở rộng biên giới trên biển. Về vấn đề này, báo giới Trung Quốc cơ bản thể hiện thái độ chỉ trích, cho rằng cuộc tập trận chỉ làm sâu sắc thêm ác cảm, thậm chí là thù hằn, của người Trung Quốc đối với Nhật Bản. Chuyên gia bình luận quân sự Ni Nhĩ Nghiên cho rằng cuộc tập trận lần này cùng với sự bài binh bố trận gần đây của Nhật Bản chính là nhằm thực thi “động tác quy định” mà “Đại cương kế hoạch phòng vệ” của Nhật Bản yêu cầu, đồng thời còn mang “động tác tùy ý” với ý đồ lớn hơn, vừa “làm” cho Trung Quốc thấy, vừa “diễn” cho Bắc Triều Tiên và Nga xem. Cuộc tập trận lần này của Nhật Bản có 3 yếu tố đáng chú ý.

Một là cường độ cao. Theo báo chí Nhật Bản, cuộc tập trận này có sự tham gia của 5.400 binh sĩ cùng 30 máy bay chiến đấu, 1.500 xe tăng lội nước, trong đó có cả loại xe tăng 90 tiên tiến nhất của Nhật Bản. Cuộc tập trận giả định rằng trong bối cảnh quần đảo Okinawa (bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư) của Nhật Bản bị Trung Quốc tấn công, làm thế nào điều động binh lực từ phía Bắc xuống khu vực cực Nam của Nhật Bản để ứng cứu. Đây là cuộc tập trận có cường độ lớn nhất kể từ sau chiến tranh.

Giới quan sát phân tích việc điều động, chuyển quân cả nghìn cây số từ Bắc xuống Nam như vậy, bề ngoài là vì mục đích bảo vệ các đảo Tây Nam Okinawa, rõ ràng để gia tăng áp lực với Trung Quốc - nước đang kiên trì tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư, song bên trong còn có ý “diễn” để cho các nước xung quanh như Nga và Bắc Triều Tiên xem. Bởi vì cuộc tập trận này huy động tới 1.500 xe tăng lội nước, trong khi các hành động quân sự tại quần đảo Điếu Ngư hay ở biển Hoa Đông (đang có tranh chấp với Trung Quốc), Nhật Bản cơ bản không cần dùng đến và cũng không thể triển khai lượng lớn chiến xa như vậy. Việc làm này có thể có được hiệu quả “giương Đông kích Tây” về mặt chiến lược.

Thứ hai là thanh thế lớn. Đối với cuộc tập trận này, lực lượng tự vệ Nhật Bản đã không còn phải cẩn trọng hay né tránh như trước đây. Đầu tiên, Nhật Bản huy động các xe lưỡng dụng để điều chuyển sư đoàn xe tăng duy nhất của Nhật Bản ở khu vực Bắc Hải xuống khu vực Kyushu. Trong quá trình chuyển quân, lực lượng phòng vệ còn cho xe tăng đi vào phố lớn, hành động khiến không ít người dân phải kinh ngạc, thậm chí có những người hiểu nhầm, lo sợ không rõ việc điều động này là vì chiến tranh hay chỉ là diễn tập. Giới quan sát cho rằng trong cuộc tập trận lần này, ngoài việc thể hiện “cơ bắp” với các nước xung quanh (nhất là đối với Trung Quốc), lực lượng phòng vệ Nhật Bản còn có phần “biểu diễn” cho người dân trong nước xem. Nó vừa hưởng ứng phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Noda rằng “quên chiến tranh tất sẽ nguy”, có ý thức tỉnh dân chúng, lại vừa có ý thu hút sự chú ý của Quốc hội, từ đó có được ngân sách lớn hơn cho quốc phòng.

Ba là mật độ cao. Giới quan sát nhận thấy rằng nhìn bề ngoài, cuộc tập trận này là đơn độc, song trên thực tế, Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với Mỹ từ ngày 24/10 đến đầu tháng 11, và sau khi cuộc tập trận hiện nay kết thúc, Nhật Bản sẽ lại tiếp tục cùng Hàn Quốc tiến hành tập trận chung. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, lực lượng phòng vệ Nhật Bản liên tục tiến hành ba cuộc tập trận, mật độ tập trận cao như vậy quả thật là hiếm thấy. Động thái này ngầm cho thấy trọng điểm phòng bị của Nhật Bản từ nay về sau đã chuyển từ Nga và Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc.

  Theo báo “Văn Hối” (Hồng Công) - ngày 16/11

 Hương Trà (gt)