Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao tại thủ đô Tokyo với các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia có sông Mekong chảy qua gồm: Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam. Hội nghị này là một phần trong chính sách ngoại giao tích cực hơn của chính quyền Abe trong bối cảnh Tokyo đang thúc đẩy việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Kuni Miyake, Chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại ở Tokyo, nói rằng Nhật Bản đang nhắm tới việc làm đối trọng với chính sách ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực bằng việc đoàn kết các nước Mekong trên cơ sở các giá trị toàn cầu như tự do hàng hải, ở thời điểm Nhật Bản và các nước khác đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. "Bằng cách làm như vậy, chúng tôi có thể đối chọi lại sự tấn công của Trung Quốc", ông Miyake nói.

Trước đó, một quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản đã tới thăm Campuchia và Lào, hai nước trung tâm trong kế hoạch của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy thương mại trước khi 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập thị trường chung với tên gọi "Cộng đồng Kinh tế ASEAN" dự kiến vào cuối năm nay. Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở khu vực Mekong và đang mở rộng quan hệ với thị trường ASEAN gồm hơn nửa tỉ dân với mục tiêu tăng kim ngạch giao dịch hai chiều từ 444 tỉ USD (năm 2013) lên ngưỡng 1.000 tỉ USD vào năm 2020.

Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ thông qua hội nghị năm nay để thúc đẩy một chiến lược phát triển 3 năm cho khu vực Mekong, nơi các doanh nghiệp Nhật Bản từ lâu đã đầu tư lớn và làm ăn có lãi. Khoản viện trợ mới có khả năng được trích từ chương trình cơ sở hạ tầng châu Á trị giá 110 tỉ USD do chính ông Shinzo Abe đã công bố hồi tháng 5 vừa qua. Tokyo đã đồng ý giúp khôi phục Đặc khu kinh tế Dawei của Myanmar, một dự án chung với Thái Lan mà khi hoàn thành sẽ giúp mở ra tuyến đường tới Ấn Độ Dương và các thị trường Nam Á, Trung Đông, châu Phi và xa hơn. 

Bà Moe Thuzar, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói rằng các thỏa thuận của Nhật Bản sẽ giúp các nước Mekong đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng và cũng giúp mở rộng liên minh của họ ở châu Á. Bà Moe Thuzar nhấn mạnh: "Xét về chiến lược thì ở những nước như Myanmar rõ ràng có mối quan tâm đa dạng hóa các quan hệ đối tác bên ngoài".

Khu vực Mekong chiếm vị trí trung tâm trong chính sách ngoại giao rộng mở hơn mà Nhật Bản theo đuổi kể từ khi ông Shinzo Abe trở lại nắm quyền năm 2012. Trong năm nay, ông Shinzo Abe đã thông qua một sự thay đổi trong các quy tắc phát triển hải ngoại nhằm gắn chúng trực tiếp hơn với các lợi ích chiến lược của Tokyo. 

Tokyo rất cẩn trọng để không "đóng khung" các hoạt động Mekong của nước này như một "Chiến lược Đông-Tây" đối chọi với các tuyến đường "Bắc-Nam" tới Trung Quốc, nhiều dự án đầu tư của nước này là nhằm tạo ra các mối liên kết như vậy trong khu vực. Chính ông Shinzo Abe đã mô tả Lào và Campuchia - hai thành viên nhỏ nhất của "Mekong Five" - như là "các đầu mối chủ chốt kết nối nửa Đông và nửa Tây của ASEAN". Dự án Dawei hoàn toàn phù hợp với chiến lược đó khi hình thành nên ga cuối phía Tây của hành lang Đông-Tây nối Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dự án này không chỉ mở ra các thị trường mới và trung tâm chế tạo cho các công ty Nhật Bản mà còn có những lợi ích chiến lược khác, như trở thành "kênh vận tải thay thế" thông qua Eo biển Malacca.

Ngoài những mục tiêu kinh tế, Nhật Bản còn nỗ lực gây dựng sự ủng hộ ngoại giao giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và các nước châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, liên quan đến việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. "Mekong Five" có nhiều liên hệ văn hóa với Trung Quốc, nhưng quan hệ giữa Trung Quốc với từng nước là khác nhau. 

Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh)

Thùy Anh (gt)