Đây là đợt tăng mạnh nhất kể từ tài khóa 1992-1993, khi ngân sách quốc phòng tăng 3,8%. Sau đó, nguồn ngân sách này đã giảm liên tục trong 10 năm, đến năm 2012. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho rằng lần tăng này là cần thiết cho việc lập ra một đơn vị mới kiểu Hải quân Mỹ với mục tiêu bảo vệ các hòn đảo phía Tây Nam và để đối phó với mọi hành động xâm lược từ nước ngoài. Chuỗi đảo này tiếp giáp với đảo Okinawa (cực Nam của Nhật Bản) tới tận Đài Loan. Tại đây có Senkaku, một quần đảo không có người ở do Nhật Bản quản lý, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều nhận chủ quyền, và đặt tên là Điếu Ngư. Trung Quốc thường xuyên đưa tàu biển tới vùng lãnh hải của các hòn đảo chiến lược này từ khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa vào tháng 9/2012. 

Yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản tăng ngân sách trong năm tới cho thấy ý muốn của Thủ tướng Shinzo Abe tăng cường khả năng bảo vệ Nhật Bản trước những mối đe dọa tiềm tàng từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc tăng chi phí này cũng phản ánh mong muốn của Thủ tướng Nhật Bản, tìm cách tạo cho nước này cơ hội thực hiện những tham vọng quân sự của mình. Ông Abe đang tìm cách sửa đổi hiến pháp liên quan tới lĩnh vực quốc phòng, vì hiến pháp hòa bình năm 1946 đã cản trở Nhật Bản giúp các đồng minh - đứng đầu là Mỹ - trừ phi bản thân Nhật Bản phải hứng chịu trực tiếp một cuộc tấn công. Và chính điều này đã cản trở Nhật Bản thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác chiến lược. Ngoài ra, ông Abe cũng mong muốn xem xét lại những đường hướng chỉ đạo nền quốc phòng được thiết lập vào năm 2010 để làm cho nó thích hợp với những thay đổi nhanh chóng trên thế giới. 

Việc đầu tháng 8 vừa qua, Nhật Bản giới thiệu tàu sân bay trực thăng tương lai dài 248 mét, Izumo, có thể chứa tới 14 máy bay lên thẳng chống tàu ngầm đã khiến Trung Quốc lo ngại, sợ rằng nó có thể biến thành tàu sân bay, và sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2015. Theo giới quan sát, yếu tố trọng tâm trong những yêu cầu về ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản liên quan đến chủ trương lập lực lượng thủy lục trong tương lai. Ngân sách mới dự tính sẽ dành 1,3 tỷ yên vào mục đích này, và cũng dự tính mua 2 xe thiết giáp hạng nặng lội nước kiểu AAV7 để đưa vào sử dụng vào năm 2014, ngoài 4 xe thiết giáp hạng nặng lội nước khác AAV7 sẽ được mua trong năm nay. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng yêu cầu 100 triệu yên để chuẩn bị mua các thiết bị bay của Boeing/Bell V-22 Osprey trong năm 2014- 2015 để hỗ trợ các sứ mệnh bảo vệ biển đảo. Việc triển khai các Osprey cũng nhằm nhấn mạnh đến sự liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ. Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu 200 triệu yên để tạo thuận lợi cho việc nhập máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ vào năm 2015 nhằm giám sát các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Đương nhiên, số khí tài này cũng sẽ được sử dụng để giám sát các hoạt động trên biển của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn hy vọng sẽ được trang bị một hệ thống tên lửa chống đạn đạo đất đối không PAC-3 ở Tokyo. Các hệ thống này đã được triển khai khi Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo. 

Chưa hết, Nhật Bản chủ trương sẽ chi 24 tỷ yên cho các chương trình liên quan đến không gian quốc phòng, 3,7 tỷ yên dành cho nghiên cứu các công nghệ dò tìm và theo dõi các máy bay do thám. Lực lượng canh giữ bờ biển của Nhật Bản yêu cầu tăng 13% ngân sách, tức là 196 tỷ yên trong năm tới, để tăng cường khả năng chống lại tàu Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng này dự định dành 12,8 tỷ yên để xây dựng hoặc sửa chữa các tàu tuần tra, trong đó có 6 tàu biển loại 1.000 tấn. Giới tướng lĩnh Nhật Bản nói rằng nhu cầu tăng ngân sách quốc phòng một phần do biến động của tỷ giá hối đoái khi mà đồng yên thấp làm tăng giá các thiết bị quân sự mua của nước ngoài. Ngoài ra, trong khi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản liên tục giảm từ năm 2003 đến năm 2012 thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lại tăng 175%, với 166 tỷ USD trong năm 2012, cao gấp 3 lần ngân sách quốc phòng Nhật Bản. Đây cũng là một trong những lý do xác đáng buộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản phải đề nghị "quay chiều" ngân sách. Nếu được chấp nhận, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa tới sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2003 sau nhiều năm hạn chế do chính sách thắt lưng buộc bụng.

Theo Affaires-strategiques

Vũ Hiền (gt)