Theo trang “Tin toàn cầu” mới đây, một trong những dấu hiệu cho thấy tiến trình “bình thường hóa” không ngừng của Nhật Bản là việc mở rộng các lĩnh vực chính trị ở nước ngoài. Phạm vi địa lý của vấn đề được quyết định bởi yếu tố cần thiết phải giải quyết hai vấn đề có liên quan chặt chẽ đến nhau và vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản.

Vấn đề thứ nhất là đảm bảo tiếp cận các nguồn năng lượng ở khu vực vùng Vịnh cũng như tuyến đường vận chuyển an toàn nguồn năng lượng này về cảng biển Nhật Bản. Vấn đề thứ hai dù không được tuyên bố chính thức nhưng khá rõ ràng, bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một cường quốc thế giới - mối đe dọa chính đến lợi ích và an ninh quốc gia của Nhật Bản. Do Trung Quốc có cách phản ứng của riêng mình đối với tiến trình “bình thường hóa” của Nhật Bản nên hành động của cả hai cường quốc hàng đầu châu Á về các vấn đề chính trị thế giới đối với nhau ngày càng giống như một chiến lược đánh dấu sự đối đầu giữa hai đối thủ trong một cuộc chơi. Chiến lược được đưa vào cuộc chơi của cả hai bên bắt đầu diễn ra ở các khu vực trên toàn thế giới nhưng đặc biệt rõ ràng ở khu vực xung quanh các tuyến đường biển nêu trên chạy qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca, Biển Đông và kết thúc ở các cảng biển của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, mối quan tâm chính mà Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Shinzo Abe tập trung chủ yếu vào tăng cường sự hiện diện của Tokyo ở Biển Đông và eo biển Malacca. Ông Shinzo Abe cùng các bộ trưởng đã thực hiện các chuyến thăm quan trọng đến hầu hết các nước Đông Nam Á nằm quanh eo biển này. Điều đáng chú ý ở đây là trong các chuyến công du, đàm phán với những người đồng cấp tại các nước trên, cùng với việc sử dụng công cụ chính sách đối ngoại kinh tế truyền thống của Nhật Bản thì lĩnh vực hợp tác quân sự, kinh tế của Tokyo với các nước này ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vấn đề trên được thúc đẩy mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á vì nhiều lý do rõ ràng.

Ngoài ra, đáng chú ý khi có những dấu hiệu cho thấy mối quan tâm mới của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương, điều này được chứng tỏ khá rõ trong hai cuộc chiến tranh thế giới và cũng đã được thể hiện trong nhiệm kỳ đầu của Shinzo Abe từ năm 2006-2007. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2007, ông Shinzo Abe đã đưa ra khái niệm “Vòng cung bất ổn”. Và theo như các nhà phân tích đã làm rõ khái niệm trên sau này thì “thật là một sự trùng hợp kỳ lạ” khi “Vòng cung bất ổn” trùng với tuyến đường hàng hải sống còn đối với Nhật Bản đã được đề cập ở trên. Cũng trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Abe đã khởi xướng Đối thoại an ninh bốn bên (QSD) giữa bốn nước Nhật-Ấn-Úc-Mỹ nhằm cụ thể hóa ý tưởng từ người tiền nhiệm xây dựng liên minh tứ cường từ năm 2000 nhằm hình thành vòng cung an ninh, chính trị, hàng hải từ Ấn Độ qua Nhật Bản, kéo dài xuống tận Nam Thái Bình Dương với Úc. Tuy nhiên, mô hình đối thoại này đã không trở thành hiện thực, do quyết định không tham gia của Úc và những thay đổi trong bộ máy chính quyền ở 3 nước còn lại.

Mùa Hè năm 2011, Nhật Bản đã thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên thời kỳ hậu chiến khi thuê đất ở Djibouti, cụ thể là mũi phía Tây của tuyến đường biển quan trọng, để chống cướp biển Somali (mà lý do này cũng có thể được dựng lên nếu như số cướp biển trên không tồn tại). Thật ngẫu nhiên, cũng để ngăn chặn “mối đe dọa cướp biển”, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận với Djibouti xây dựng căn cứ quân sự của mình ở khu vực này vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, tất cả các tàu chiến, máy bay từ các cường quốc hàng đầu khu vực lại phải tuần tra đi vào khu vực vùng Vịnh Ba tư.

Bằng chứng chứng tỏ giai đoạn chính trị tích cực mới của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương thể hiện qua các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến công du 5 ngày của ông đến Nhật Bản diễn ra hồi đầu tháng 9/2014 và chuyến công du châu Á của Thủ tướng Nhật Bản tại các nước Bangladesh và Sri Lanka. Tuy nhiên, sự khởi đầu mới của việc tái lập lợi ích Nhật Bản ở Ấn Độ Dương có thể đã bắt đầu từ tháng 5/2013 khi trong suốt chuyến công du thăm các nước Đông Nam Á, Thủ tướng Nhật Bản cũng dừng chân ở Myanmar. Thực tế, về mặt địa lý, Myanmar nối liền Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao cuộc chiến giành quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ nhanh chóng có thêm động lực mới, như là một phần của cuộc chơi công khai giữa các đối thủ hàng đầu ở khu vực xung quanh Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Đối với chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Nhật Bản, các nhà phân tích ngay lập tức nhận ra thực tế rằng đây là quốc gia đầu tiên tân Thủ tướng Ấn Độ viếng thăm trong chuyến công du hàng loạt các nước. Lý do chính không đơn thuần chỉ là sự kính trọng của Modi đối với Nhật Bản trên cương vị cá nhân là Thủ tướng. Thực tế, hình ảnh mà truyền thông đưa tin về các cuộc hội đàm song phương cho thấy sự thể hiện tình cảm này nhiều hơn bất kỳ hành động hay tuyên bố nào. Thủ tướng Ấn Độ Modi tiếp tục trên con đường hành trình thắt chặt quan hệ với Nhật Bản đã được người tiền nhiệm của ông vạch ra. Mặc dù kim ngạch thương mại Ấn-Trung lớn hơn nhiều so với Ấn-Nhật nhưng Trung Quốc ngày càng được xem là một đối thủ địa chính trị trong khi Nhật Bản lại được đánh giá là một đồng minh chính trị tiềm năng đối với Ấn Độ. Vì lý do đó, dường như có sự ghen tỵ đáng kể trong đánh giá của Trung Quốc về chuyến công du của Modi đến Nhật Bản. Các bài phân tích, bình luận trên báo chí Trung Quốc đã tóm lược như sau: “sẽ là tốt hơn đối với Ấn Độ khi là bạn bè với Trung Quốc”. Những bình luận tương tự nêu trên cũng được đăng tải sau chuyến thăm của Abe đến Bangladesh và Sri Lanka. Các bên đã thúc đẩy đàm phán về chiến lược “Chuỗi ngọc trai” được cho là đi theo sau Trung Quốc ở Đông Nam Á nói chung và Ấn Độ nói riêng. Ngoài ra, còn một số giả thuyết cho rằng Nhật Bản dự tính xây dựng “Chuỗi ngọc trai” của riêng mình ở Đông Nam Á, một mạng lưới căn cứ quân sự chạy dài từ Djibouti đến eo biển Malacca. Tuy nhiên, đến nay đó vẫn chỉ là suy đoán và hiện tại chúng ta cần phải chờ đợi xem cuộc chơi giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực sẽ diễn ra như thế nào.

Sự kiện thu hút chú ý của công luận tiếp theo là chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Ấn Độ và chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc với kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sự kiện thứ hai trở nên đặc biệt quan trọng bởi vì cho đến cuối năm 2013, đảng Bharatiya Janata đã công bố thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội nhưng ông Modi đã bị Mỹ ban hành lệnh cấm đi lại từ nhiều năm trước. Thủ tướng Modi là người duy nhất bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo quốc tế. Và đến trước ngày 16/5/2014, Chính quyền Obama vẫn chưa chính thức nói rõ liệu lãnh đạo tương lai của một trong những nền dân chủ lớn nhất thế giới có được phép tới Washington hay không. Lệnh cấm đi lại đối với Modi có hiệu lực từ năm 2005, khi Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Modi (trên cương vị Thủ hiến bang) đã không hành động để ngăn chặn cuộc bạo loạn tại Gujarat. Mỹ buộc tội Modi để cho người Hindu trả thù người Hồi giáo sau khi một con tàu chở người hành hương Hindu bốc cháy. Những người nổi loạn Hindu tin rằng người Hồi giáo đã đốt con tàu. Hơn 1.000 người đã phải bỏ mạng, và có tới 800 trong số đó là người Hồi giáo. Tuy nhiên, Modi thực tế đã là khách mời đáng mong đợi nhất với Chính quyền Mỹ trong chuyến thăm hồi tháng 9/2014 và ai cũng hiểu rõ ràng lý do tại sao lại có động thái này./.

Anh Thư (gt)