nguồn: Demotix.com

Các hành động đối phó dựa trên giả định tàu thuyền chính phủ và tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản hoặc đổ bộ lên quần đảo Senkaku. Phía Nhật Bản đã cho rằng không thể không cử tàu chiến và các đơn vị phòng vệ tới khu vực này theo từng giai đoạn để đối phó kịp thời với tình huống “vùng xám” (không phải thời bình, cũng không phải tình huống xảy ra biến sự).

Tại phiên họp toàn thể Hạ viện ngày 26/7, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã nói rằng “trong trường hợp phát sinh các hành vi phi pháp tại lãnh thổ, lãnh hải, trong đó có quần đảo Senkaku, sẽ đối phó một cách kiên quyết, trong đó có việc sử dụng lực lượng phòng vệ”, qua đó thể hiện ý định thảo luận việc cử lực lượng phòng vệ tới Senkaku. Tiếp nhận quan điểm của Thủ tướng Noda, Tổng tham mưu trưởng Iwasaki hồi cuối tháng 7 đã ra chỉ thị trong nội bộ hoạch định phương châm đối phó.

Việc phải thực hiện phương châm đối phó vào thời kỳ này là do cuộc thương lượng mua bán giữa chủ sở hữu các đảo ở Senkaku và chính quyền Tôkiô sắp đến hồi kết thúc. Nhật Bản đang cảnh giác trước nguy cơ Trung Quốc leo thang khiêu khích sau khi cuộc thương lượng được hoàn tất.

Về hình thức khiêu khích của Trung Quốc, phía Nhật Bản lo ngại sẽ có sự uy hiếp của các tàu chính phủ không phải là tàu hải quân giống như 3 tàu Ngư Chính thuộc Cục quản lý ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 7. Nhật Bản cũng lo ngại các tàu cá chở dân binh giả trang ngư dân đồng loạt kéo vào trong lãnh hải Nhật Bản.

Các tàu Ngư Chính Trung Quốc trên thực tế là tàu chiến hải quân được cải tạo, có cả những tàu to bằng tàu hộ vệ loại vừa của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Cục Hải dương quốc gia, vốn được coi là “đơn vị dự bị của hải quân”, ngoài việc được chuyển quyền sử dụng các tàu Hải Giám từ hải quân, còn đang tiếp tục được đóng các tàu loại lớn mới.

Đối với Nhật Bản, kịch bản xấu nhất là các tàu chính phủ, tàu cá Trung Quốc gây thiệt hại cho tàu tuần tra của Cục bảo an trên biển, đồng thời các dân binh đổ bộ bất hợp pháp lên quần đảo Senkaku. Phương châm đối phó của lực lượng phòng vệ cũng dựa vào các tình huống mô phỏng này.

Các hành động của lực lượng phòng vệ được chia làm 2 nhóm lớn. Trong trường hợp lực lượng bảo vệ trên biển không xử lý hết, các tàu của lực lượng phòng vệ sẽ xuất quân. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rõ nếu có người đổ bộ bất hợp pháp lên đảo, cảnh sát tỉnh Okinawa sẽ cưỡng chế bắt rời đảo, nếu các tàu có vũ trang của Chính phủ Trung Quốc triển khai ở vùng biển xung quanh nhưng không đến gần đảo, “cần sớm triển khai lực lượng phòng vệ mặt đất”.

Vấn đề lớn nhất cần điều chỉnh là thời điểm xuất quân và cách đối phó ở cấp chính phủ, bao gồm cả quyết định ý chí nhanh chóng. Quyết định triển khai sử dụng lực lượng phòng vệ ở giai đoạn Trung Quốc chưa triển khai quân mà mới triển khai tàu thuyền chính phủ và dân binh là hết sức nhạy cảm. Nếu chủ trương phản ứng một cách quá khích, chắc chắn sẽ trở thành trò cười đối với “cuộc chiến dư luận” lôi cuốn cộng đồng quốc tế làm bạn của Trung Quốc. Mặt khác, nếu triển khai chậm, phải chấp nhận sự thực đã rồi là Trung Quốc đưa tên lửa đối hạm, phòng không tới Senkaku và chi phối quần đảo này trên thực tế.

Sankei (Nhật Bản)

Thùy Anh (gt)