Phát biểu với giới báo chí bên lề các hội nghị của ASEAN ở In-đô-nê-xi-a, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto nói ông hoan nghênh thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về văn bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và coi đây là “một bước tiến” nhằm giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp.

Theo một quan chức cao cấp của Nhật Bản, phát biểu tại một phiên họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Matsumoto khẳng định hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông cũng quan trọng với Nhật Bản vì nước này muốn đảm bảo sự đi lại an toàn cho các tàu thương mại của họ. Nhật Bản, nước không có liên quan trực tiếp tới các cuộc xung đột ở vùng biển này, đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đối với các hành động gây hấn gần đây của hải quân Trung Quốc ở khu vực này khiến một số nước như Việt Nam và Philíppin lên tiếng chỉ trích. Có vẻ như Tôkiô muốn kết nối các cuộc xung đột này với vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên cực kỳ căng thẳng kể từ sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Trung Quốc và hai tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông hồi đầu tháng 9/2010. Hai nước cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện thỏa thuận về hợp tác khai thác khí đốt trên biển Hoa Đông. Các cuộc thương lượng về vấn đề này diễn ra chậm chạp sau khi hai nước nhất trí hợp tác khai thác tài nguyên ở đây.

Phó Giáo sư Ken Jimbo của trường Đại học Keio cho rằng Nhật Bản có thể gián tiếp giải quyết vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trên Biển Đông bằng cách đóng góp vào việc xây dựng năng lực cho các cơ quan bảo vệ bờ biển và cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển ở các nước như Inđônêxia, Việt Nam và Philíppin. Ông nói: “Để ngăn chặn các cuộc xung đột trên biển, Nhật Bản có thể cung cấp cho các nước Đông Nam Á các thiết bị tiên tiến như tàu tuần tra và sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) để nâng cấp hạ tầng cảng biển ở các nước trên để các tàu của hải quân Mỹ có thể ghé vào”. Phó Giáo sư Jimbo nhấn mạnh Nhật Bản cần phải cân nhắc các hỗ trợ như vậy, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và chính sách không sử dụng ODA cho các mục đích quân sự.

Năm 2006, Nhật Bản đã quyết định cung cấp ba tàu tuần tra cho In-đô-nê-xi-a trong khuôn khổ chương trình ODA nhằm giúp nước này chống lại hải tặc và ngăn chặn khủng bố ở Eo biển Malắcca. Đây là một trường hợp ngoại lệ. Nghiên cứu sinh cao cấp Tomotaka Shoji của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản cho biết ông tin rằng các va chạm giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền sẽ tiếp tục diễn ra ở Biển Đông vì nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên cơ sở công nhận lịch sử và tiếp tục cố gắng mở rộng sự hiện diện quân sự của mình.

Ông Shoji cũng cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục che đậy các âm mưu để thiết lập quyền kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp này. Ông cảnh báo: “Trên hết, các nước liên quan cần thực hiện các biện pháp hàng ngày để xây dựng niềm tin và tránh các va chạm có thể làm gia tăng căng thẳng”. Ông Shoji cũng cho rằng Nhật Bản chỉ có thể can dự gián tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua quan hệ đồng minh an ninh của nước này với Mỹ vì nó sẽ gây ảnh hưởng lớn về mặt chính trị và lịch sử nếu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tiến vào vùng biển này để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc./.

Lê Quang (tổng hợp)