Chiến thắng vang dội trước ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc đua gắt gao vào Nhà Trắng là một đảm bảo vững chắc cho 4 năm cầm quyền tiếp theo của Tổng thống tái đắc cử Barack Obama và chính sách “hồi sinh nước Mỹ hùng mạnh” mà đảng Dân chủ đang theo đuổi. Trong bài phát biểu sau thắng lợi, ông Obama khẳng định: “Nước Mỹ sẽ hướng tới một siêu cường thế giới được tôn trọng trong bầu không khí an ninh” đồng thời Tổng thống tái đắc cử cũng bày tỏ quyết tâm đối mặt với những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, tiến tới phục hồi vai trò đầu tàu của thế giới cũng như hoàn tất bài tập chưa hoàn thành trong nhiệm kỳ đầu là phục hồi kinh tế Mỹ. Đặc biệt, điều mà Nhật Bản trông đợi hơn cả đối với ông Obama chính là sự nhất quán trong chính sách “trở lại châu Á” nhằm đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh trọng tâm của an ninh và kinh tế của thế giới sẽ chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương bên cạnh sứ mệnh vực dậy nền tài chính Mỹ nhằm củng cố nền móng cho phục hồi sức mạnh quốc gia. Để đạt được những mục tiêu này, Mỹ cần hợp tác và liên kết với Nhật Bản, coi việc tăng cường liên minh Nhật-Mỹ là trụ cột chính trong chính sách “trở lại châu Á”. Oasinhtơn cũng cần hợp tác với cộng đồng quốc tế và các nước đồng minh khác nhằm hồi sinh nước Mỹ một cách mạnh mẽ.

Việc phát triển chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama có vai trò quan trọng sống còn đối với Nhật Bản và châu Á. Vào năm 2009, ông Obama từng tìm kiếm triển vọng “Hợp tác Trung-Mỹ” (G-2) thông qua đối thoại chiến lược và kinh tế. Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc ồ ạt tiến ra đại dương, coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và phát triển sức mạnh quân sự, kể từ năm ngoái, Oasinhtơn đã chuyển trọng tâm chiến lược ngoại giao và an ninh của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ buộc phải hành động có trách nhiệm trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế và an ninh nhằm kiềm chế Bắc Kinh có những hành động quá khích, đảm bảo hòa bình và phồn vinh của thế giới. Về phần mình, Nhật Bản muốn Oasinhtơn thúc đẩy hơn nữa chiến lược này.Từ ngày 8/11, Trung Quốc khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản nhằm chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Để tăng cường nền tảng quyền lực cho chính quyền mới, Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn hơn trong đó có cuộc đối đầu Nhật-Trung xung quanh vấn đề quần đảo tranh chấp Senkaku, Nhật Bản và Mỹ cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho các biện pháp phòng vệ tập thể cũng như đối sách kiềm chế Trung Quốc.

Vì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đề xướng chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang châu Á, đang có ý định “nghỉ hưu” sau bầu cử Mỹ nên Tổng thống Obama có khả năng sẽ phải tuyển chọn một đội ngũ cộng sự ngoại giao có đủ khả năng đảm nhiệm chính sách coi trọng châu Á và am hiểu về Nhật Bản. Do vậy, là một đồng minh của Mỹ, Nhật Bản cần cảm thấy phấn khởi vì điều này thay vì lo ngại. Trong vòng ba năm dưới chính quyền của đảng Dân chủ, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ lâm vào ngõ cụt trong vấn đề di chuyển Căn cứ Không quân Futenma và vấn đề triển khai trực thăng vận tải thế hệ mới Osprey. Việc hai bên chưa thể hoàn tất kế hoạch tái bố trí lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, vốn được coi là đối trọng không thể thiếu nhằm kiềm chế Trung Quốc, có thể nói là sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Rõ ràng, Nhật Bản không những hy vọng Mỹ có thể phục hồi vai trò “sen đầm quốc tế” mà Tôkiô còn trông mong vào một nước Mỹ hùng mạnh để có thể bảo đảm an ninh cho Nhật Bản cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt trách nhiệm của một nước đồng minh, Nhật Bản cần thực hiện đường lối ngoại giao phản ánh lợi ích và những đòi hỏi của mình, góp phần tích cực cho quá trình xây dựng và tăng cường chiến lược “trở lại châu Á” mà Chính quyền Tổng thống Obama đang theo đuổi. 

Theo “Sankei” (ngày 8/11)

Nhật Linh (gt)