Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được ban hành kể từ Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức và cam kết sẽ tăng cường hệ thống quốc phòng của Nhật Bản. Sách Trắng năm nay có khả năng sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang trong tình trạng căng thẳng do xảy ra tranh cãi về chủ quyền biển đảo. Trung Quốc cũng không hài lòng với những phát biểu của ông Abe rằng ông sẽ ít tỏ ra hối tiếc khi đề cập tới lịch sử thời chiến của Nhật Bản.

Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 của Nhật Bản có đoạn: "Có rất nhiều vấn đề và nhân tố gây bất ổn trong môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, một vài trong số đó đang ngày càng trở nên rõ ràng, gay gắt và nghiêm trọng". Đồng tình với những bình luận gần đây của ông Abe và nội các của ông, Sách Trắng viết: "Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi nguyên trạng bằng cách sử dụng vũ lực dựa trên sự khẳng định chủ quyền của riêng nước này, đây là điều không phù hợp với trật tự của luật pháp quốc tế. Trung Quốc nên chấp nhận và tuân theo các quy tắc quốc tế".

Tranh chấp Trung-Nhật về chủ quyền của một quần đảo ở Biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư bắt đầu nổ ra từ tháng 9/2012, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa phần lớn số đảo thuộc quần đảo này. Nhật Bản ngày càng tỏ ra quan ngại về sự phát triển quân sự của Bắc Kinh. Sách Trắng Quốc phòng năm ngoái của Nhật Bản - được công bố trước khi xảy ra tranh chấp biển đảo với Trung Quốc - đã đề cập tới nguy cơ quân đội Trung Quốc đóng vai trò trong việc định hình chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Các tàu tuần tra biển của cả hai nước thường xuyên theo sát nhau tại khu vực gần quần đảo tranh chấp, làm gia tăng lo ngại sẽ xảy ra các va chạm không được dự tính trước và có thể dẫn tới những xung đột lớn hơn. Sách Trắng có đoạn: "Một số hành động của Trung Quốc như xâm nhập vùng biển của Nhật Bản, vi phạm không phận của Nhật Bản, và thậm chí là các động thái nguy hiểm khác có thể sẽ gây ra những sự việc bất ngờ gây hối tiếc". Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói rằng một tàu hải quân của Trung Quốc đã chĩa rađa dẫn đường hỏa lực nhằm vào một tàu khu trục của Nhật Bản. Việc chĩa rađa trực tiếp vào mục tiêu có thể được xem là hành động chuẩn bị sẵn sàng để khai hỏa thật sự.

Ông Abe trở lại nắm quyền sau khi liên minh của ông giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái. Ông cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế và tăng cường hệ thống quốc phòng của Nhật Bản. Ông Abe cũng bày tỏ mong muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình được soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhằm hợp pháp hóa quân đội. Mặc dù nhận được sự ủng hộ trong vấn đề này, song việc xem xét lại hiến pháp này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.

Nhật Bản đã tăng cường quốc phòng các hòn đảo tranh chấp và trong năm nay Tokyo sẽ tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua. Quân đội Nhật Bản đang tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ - đồng minh an ninh chính của nước này, và củng cố hệ thống quốc phòng nhằm chống lại các vụ tấn công bằng tên lửa.

Nhật Bản dự định sẽ đưa ra một kế hoạch quốc phòng mới vào tháng 12 tới. Tháng trước, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe đã đệ trình lên trình chính phủ nhiều đề xuất, trong đó bao gồm việc xem xét khả năng tấn công các mục tiêu của kẻ thù. Nhật Bản từ lâu vẫn khẳng định rằng nước này có quyền tấn công các mục tiêu của kẻ thù khi ý định tấn công Nhật Bản của kẻ thù là rõ ràng, mối đe dọa này sắp xảy ra và Tokyo không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, bất kể dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản đang tiến tới phát triển các khả năng như vậy sẽ khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận, do sự oán giận của những người dân tại hai quốc gia này đối với những hành động hung hăng thời chiến chiến của Nhật Bản, khi Nhật Bản đô hộ họ, vẫn còn rất sâu đậm.

LDP cũng đề xuất rằng, nhằm tăng cường quốc phòng đối với những hòn đảo hẻo lánh, quân đội nên thành lập một đơn vị thủy quân lục chiến được trang bị máy bay chiến đấu như Osprey V-22. Giáo sư Kazuya Sakamoto - làm việc tại Đại học Osaka, đồng thời là thành viên của ban cố vấn chính sách an ninh của Thủ tướng Abe - nói: "Sự cân bằng sức mạnh sẽ mất đi nếu chúng ta không bắt đầu xem xét việc phản công khi bị tấn công. Nếu chúng ta không có những loại vũ khí có khả năng vươn tới kẻ thù, Nhật Bản sẽ không thể tự vệ và không thể suy trì khả năng răn đe".

Ông Abe cũng muốn xem xét lại việc giải thích hiến pháp vốn cho rằng hiến pháp cấm sử dụng quyền tự vệ tập thể, hoặc hỗ trợ một đồng minh đang bị tấn công. Một nhóm các chuyên gia được thành lập trong nhiệm kỳ thủ tướng 2006-2007 của ông Abe từng kiến nghị rằng luật cấm này có thể bị bãi bỏ trong một số trường hợp, ví dụ như các tên lửa đạn đạo đang tiến về phía Mỹ. Một ủy ban cố vấn mới của ông Abe được cho là sẽ đưa ra kết luận tương tự.

Bắc Triều Tiên phóng một tên lửa hồi tháng 12/2012 - động thái củng cố lời đe dọa mà quốc gia nghèo đói và bị cô lập này đưa ra đối với những nước mà Bình Nhưỡng cho là kẻ thù. Tháng 2/2013, Bắc Triều Tiến tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, giúp Bình Nhưỡng tiến gần hơn tới việc phát triển tên lửa hạt nhân tầm xa. Sách Trắng của Nhật có đoạn: "Việc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên cho thấy nước này đã phát triển công nghệ mở rộng tầm bắn và cải thiện độ chính xác của các tên lửa đạn đạo".

Theo Reuters (ngày 9/7)