20121217103410_Japan_ShinzoAbe.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết thỏa thuận mà ông vừa ký với Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Kazuhide Ishikawa đề ra một khuôn khổ cho việc cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, theo đó giúp các nước châu Á tiến hành nghiên cứu và triển khai các dự án phát triển chung. Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ quyết định xem loại trang thiết bị nào sẽ được cung cấp. Ông Gazmin chỉ nói với các phóng viên rằng Nhật Bản ban đầu đề xuất sẽ cung cấp một máy bay do thám, song ông không tiết lộ chi tiết.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ ký thỏa thuận nói trên ở trụ sở Bộ Quốc phòng tại Manila, ông Gazmin nêu rõ: “Thỏa thuận này là một minh chứng thực sự cho thấy Philippines và Nhật Bản là các đối tác chiến lược. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mong muốn của chúng tôi khi ký kết thỏa thuận này không chỉ là nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của mỗi nước mà còn muốn đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực”.

Cả Nhật Bản và Philippines đều không đề cập đến hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp, song ai cũng hiểu các hành động đó của Trung Quốc là quan ngại an ninh lớn của cả Tokyo và Manila, vốn đều là đồng minh thân cận của Washington. Bàn về thỏa thuận quốc phòng mới ký ngày 29/2, ông Gazmin nói: “Thỏa thuận này không nhằm trực tiếp chống lại bất kỳ quốc gia nào”.

Sau khi tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bắt đầu leo thang từ bốn năm trước, Philippines đã phải viện đến Mỹ, và giờ là Nhật Bản, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quân đội vốn được trang bị yếu kém. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và đôi lúc những tranh chấp đó lại bùng nổ dữ dội.

Các mong muốn của Philippines về việc củng cố an ninh cũng trùng khớp với các bước đi mới của Nhật Bản nhằm thiết lập sự hiện diện an ninh lớn hơn trong khu vực. Hai nước đã công khai đưa quan hệ an ninh và chính trị lên tầm cao mới, trong đó có việc tổ chức cuộc tập trận tìm kiếm cứu nạn chung trên biển năm 2015. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có các chuyến thăm ngoại giao lẫn nhau và cam kết tăng cường quan hệ quân sự, tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận an ninh trong tương lai, theo đó sẽ cho phép quân đội Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận lớn hơn với quân đội Philippines tại vùng biển của Manila.

Năm 2015, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một dự luật gây tranh cãi cho phép nâng cao vai trò của quân đội Nhật Bản thông qua việc nới lỏng các hạn chế được đưa ra thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II. Quân đội nước này hiện có thể bảo vệ các đồng minh của họ cho dù trong trường hợp Nhật Bản không bị tấn công và sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các quốc gia khác. Ông Gazmin cho biết Nhật Bản đã ký các thỏa thuận tương tự với Mỹ và Australia, nhưng Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký thỏa thuận quốc phòng với Tokyo.

Bên cạnh Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông - tuyến đường giao thương chính của thế giới. Mỹ không có đòi hỏi chủ quyền nào ở khu vực này, nhưng nói rằng họ quan tâm đến việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không và việc không sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền.

Theo trang “AP

Vũ Hiền (gt)