Ngày 15/8, các nhà hoạt động Hồng Công đã đổ bộ bất hợp pháp lên đảo Uotsuri. Việc này buộc chúng ta một lần nữa phải nghĩ đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku. Có thể nghĩ đến tình huống các đội tàu cá Trung Quốc tiến hành đánh bắt phi pháp quy mô lớn ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) hoặc trong lãnh hải Nhật Bản, tiếp cận và đổ bộ lên quần đảo Senkaku, tiếp đó các tàu của Chính phủ Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát bằng cách phối hợp hành động như chi viện cho các tàu cá Trung Quốc. Trong trường hợp này, Cục Bảo an Trên biển và cảnh sát Nhật Bản sẽ phải đối phó như kịch bản “tình huống phi quân sự”.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ qua tranh luận người ta đã không nói gì về “thủ đoạn quân sự mà Trung Quốc có khả năng sẽ lựa chọn”. Điều cần chú ý ở đây là Trung Quốc, nước đang ở thế bất lợi so với Nhật Bản và cho dù có thái độ cứng rắn cũng không thể kiểm soát hiệu quả quần đảo Senkaku, từ mùa Xuân năm nay đã bắt đầu tuyên bố rõ về việc “sớm giành lại quyền kiểm soát” quần đảo này. Cần phải nhìn thấy biểu hiện ý chí cứng rắn này của Trung Quốc.

Để tham khảo, có thể dẫn sự kiện đảo Makin hồi tháng 8/1942. Khi đó, dù bị thua trong trận hải chiến Midway, khu vực trung Thái Bình Dương vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Quân Mỹ đã cho các đơn vị biệt kích của lực lượng lính thủy đánh bộ xuống 2 tàu ngầm và tiến tới tận vùng biển ngoài khơi đảo Makin trong khi phía Nhật Bản không hề biết gì. Sau đó các đơn vị này đã đổ bộ lên đảo bằng thuyền, càn quét sạch đảo này trong 1 ngày và lại rút về tàu ngầm. Quân Mỹ đặt mục tiêu tác chiến “kiềm chế và gây rối loạn quân Nhật bằng cách tấn công và càn quét sạch các đảo mà Nhật Bản đang kiểm soát” và họ đã thành công.

Nếu đối chiếu ví dụ này với “tình hình Senkaku”, cũng giống như việc quân đặc nhiệm Trung Quốc đổ bộ bất ngờ và chiếm đóng quần đảo này. Hành động có thể tưởng tượng được là quân Trung Quốc bí mật đổ bộ lên đảo từ tàu ngầm hoặc đổ bộ bằng đường không để chiếm quần đảo Senkaku.

Trường hợp xấu nhất, khi phía Nhật Bản chú ý đến thì quân đặc nhiệm Trung Quốc đã được triển khai, cờ hồng 5 sao được cắm trên đỉnh núi và hình ảnh này sẽ được truyền trực tiếp qua vệ tinh về Bắc Kinh với thông tin rằng “nhờ tinh thần chiến đấu quyết tử của các dũng sĩ quân giải phóng nhân dân, chúng ta đã giành lại được chủ quyền và kiểm soát quần đảo Senkaku”. Thông tin này cũng sẽ được phát đi toàn thế giới. Sau đó, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục chiến đấu giữ quần đảo Senkaku. Trong trường hợp này, nếu Nhật Bản đối phó chậm trễ, sẽ mất thời gian triển khai lực lượng phòng vệ và vận dụng hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ. Trung Quốc sẽ không mất một viên đạn nào, không đổ một giọt máu nào và tránh được sự can thiệp của Mỹ để nắm trong tay “chủ quyền lãnh thổ” mà nước này đơn phương đòi hỏi và “kiểm soát” Senkaku chỉ trong vài giờ. Đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa có một chế độ cảnh giới nào được áp dụng để ngăn chặn tình huống như vậy. Ngoài tình huống phi quân sự trên, còn tồn tại nhiều giả định khác về quần đảo Senkaku, từ giả định về cuộc đột kích bất ngờ cho đến một cuộc tấn công quân sự xâm lược. Trung Quốc là nước nắm quyền chủ động lựa chọn và tiến hành hành động.

Nếu không chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống quân sự ở Senkaku với lý do “đây chỉ là dự đoán đơn phương ít có khả năng xảy ra” thì sẽ phải trả giá đắt. Không thể một lần nữa coi thường giáo huấn quan trọng từ thảm họa động đất-sóng thần năm ngoái khiến nhiều người trở thành nạn nhân và đừng nói rằng “điều ngoài giả định không tồn tại”. 

Báo "Yomiuri" ngày 29/8

Thùy Anh(gt)