Trong tuyên bố chung của Ủy ban Tham vấn A ninh Mỹ - Nhật 2+2 vào ngày 27 tháng 4, Nhật Bản đã đưa ra một số sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực tại châu Á Thái Bình Dương.

Đáng chú ý là Nhật Bản đang hướng tới giúp đỡ xây dựng năng lực cho các quốc gia duyên hải  khu vực thông qua việc sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mang tính chiến lược của nước này. Đây là chính sách bổ sung hết sức quan trọng trong chính sách hiện tại của Nhật Bản nhằm hướng tới các quốc gia duyên hải ASEAN.

Khi sự ổn định hàng hải trên Biển Đông không được đảm bảo, các quốc gia duyên hải ASEAN sẽ phải đối mặt với những điều kiện chiến lược bất ổn định. Đầu tiên là khoảng cách đang gia tăng nhanh chóng giữa các cơ quan chấp pháp biển của Trung Quốc, hải quân, không quân PLA và quân đội của các quốc gia vên biển ASEAN. Và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố ưu thế vượt trội về không quân và hải quân của mình so với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

Thứ hai là những nỗ lực hiện tại nhằm đưa ra một trật tự hàng hải dựa trên những luật định tại Biển Đông sẽ không mang lại thành công rõ ràng. Các cuộc đàm phán về việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý về Biển Đông có vẻ khó khăn và xa vời, vì Trung Quốc không đưa ra lập trường phù hợp khi bàn đến  những tranh chấp biển trên cơ sở giải quyết đa phương.

Thứ ba là ngày càng nhiều các quốc gia ASEAN đang cân nhắc  việc lôi kéo bên thứ ba, quan trọng nhất là Mỹ - cũng như Úc và Nhật Bản – can dự vào cuộc chơi cân bằng sức mạnh tại Biển Đông. Nhưng việc xác định vai trò của Mỹ là đối trọng từ bên ngoài chống lại Trung Quốc vẫn còn rất phức tạp trong chương trình nghị sự đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, vì nên kinh tế của Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau rất sâu sắc.

ASEAN cần phải tăng cường năng lực của bản thân để đối phó với bối cảnh chiến lược đang thay đổi nhanh chóng. Nhật Bản mong muốn duy trì một cán cân sức mạnh có lợi cho mình tại Biển Đông vì đây là hải trình thiết yếu đối với thương mại Nhật Bản (đặc biệt là vấn đề nhập khẩu năng lượng). Và bất kỳ hiệp định tiềm ẩn nào giữa Trung Quốc và ASEAN về Biển Đông cũng có thể bị coi là khuôn mẫu trong vấn đề giải quyết những lợi ích biển tại Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Vì vậy, việc giúp  xây dựng năng lực an ninh hàng hải của ASEAN đang trở thành sự cân nhắc chính sách mang tính chủ chốt đối với chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản giờ đây đang tìm kiếm một cách tiếp cận theo định hướng an ninh khu vực trong sự can dự của mình đối với ASEAN.

Đầu tiên, Nhật Bản tích cực tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận và huấn luyện chung tại Đông Nam Á. Trong những năm qua, Nhật Bản đã tăng cường chính sách của mình thông qua việc tham gia vào các cuộc tập trận chung, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và các hoạt động sơ tán phi quân sự. Chẳng hạn, Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên với Mỹ và Úc tại Biển Đông vào tháng 7 năm 2011. Nhật Bản đang tăng cường đáng kể sự hợp tác về mạng lưới, thông tin liên lạc và an ninh với các quốc gia khu vực bằng việc gia tăng sự tham gia  huấn luyện và tập trận chung đa phương về các loại hình này.

Thứ hai, Nhật Bản đang hỗ trợ trong việc xây dựng năng lực an ninh của ASEAN thông qua việc thúc đẩy vốn vay ODA. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản – ASEAN vào tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cam kết hỗ trợ 25 tỷ USD nhằm thúc đẩy các dự án trọng điểm để tăng cường tính liên kết của ASEAN. Và tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản – Mê Công vào tháng 4 năm 2012, Nhật Bản cam kết viện trợ 7,4 tỷ USD trong ba năm nhằm giúp đỡ những dự án về cơ sử hạ tang của 5 quốc gia Mê Công. Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Koichiro Genba, thẳng thắn tuyên bố thúc đẩy việc “sử dụng ODA mang tính chiến lược” để phát triển mối quan hệ giữa viện trợ của Nhật Bản và an ninh khu vực. Nếu sự tài trợ về tài chính cua Nhật Bản mang tính chiến lược nhiều hơn nhằm hỗ trợ cho những mục địch này, thì nó có thể xem như là một công cụ chủ yếu trong việc xây dựng năng lực phòng thủ của ASEAN.

Điều này cũng có thể hỗ trợ cho sự hiện diện có hiệu quả của Mỹ tại khu vực, vì việc xây dựng năng lực cho các đồng minh và bạn bè của Mỹ tại châu Á là một thành phần chính trong chiến lược tái cân  bằng quân sự của Mỹ. Năng lực quốc phòng của ASEAN cũng có thể được xem như những điểm thâm nhập thay thế tiềm năng cho lực lượng của Mỹ trong việc theo đuổi sự hiện diện mang tính chính trị bền vững, hoạt động linh hoạt và phân bổ theo địa chính trị tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Cuối cùng, Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu vũ khí trực tiếp để hỗ trợ về cơ sở hạ tầng của các quốc gia ASEAN. Vào tháng 12 năm 2011, Nhật Bản đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của nước này để cho phép chuyển giao trang thiết bị quân sự ra nước ngoài nhằm duy trì hòa bình và hợp tác quốc tế. Nhật Bản đang xem xét việc sử dụng ODA để cung cấp cho Philippin tàu tuần tra cho hệ thống thông tin hàng hải và tuần duyên của nước này. Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh xem xét xuất khẩu tàu tuần tra, máy bay và tàu hỗ trợ đa mục tiêu của nước này để nâng cao năng lực an ninh hàng hải của ASEAN. Nhật Bản sẽ đóng góp nhiều hơn cho an ninh hàng hải của ASEAN nếu như sự hỗ trợ về phần cứng kết hợp với sự hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện từ Lực lượng Phòng vệ và tuần duyên của Nhật Bản.

Mặc dù những nhân tố này cho thấy định hướng chính sách mới của Nhật Bản trong cam kết với ASEAN, thì Nhật Bản có thể phải cần thêm một chiến lược rõ ràng hơn để thúc đảy việc xây dựng năng lực của ASEAN. Việc vừa giúp đỡ xây dựng năng lực quốc phòng của ASEAN trong khi vẫn tránh được tình thế lưỡng nan về an ninh đối với Trung Quốc sẽ  là điều rất khó đạt được. Tuy nhiên, những cuộc tập trận và huấn luyện chung, sử dụng ODA mang tính chiến lược và xuất khẩu vũ khí sẽ cấu thành nên những trụ cột quan trọng trong chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN.

Ken Jimbo là phó giao sư tại khoa Quản lý Chính sách, Đại học Keio

Theo East Asia Forum

Văn Cường (gt)