Theo tờ “Nikkei”, để việc vận chuyển giữa Inđônêxia và một số đảo Philíppin với bán đảo Đông Dương thuận lợi, Nhật Bản sẽ hỗ trợ vốn và kỹ thuật để nâng cao tính năng hoạt động của các loại tàu vận chuyển và hiện đại hóa một số cảng biển. Đây là một động thái tăng cường liên kết với các nước trong khu vực trong lĩnh vực an ninh hàng hải và vận tải biển nhằm đối phó với sự gia tăng các hoạt động trên biển của Trung Quốc trong thời gian qua. 

Nhật Bản và ASEAN đã nhất trí sẽ tiến hành cuộc họp thượng đỉnh tại Bali vào trung tuần tháng 11/2011 để thảo luận ý tưởng thành lập hành lang kinh tế biển ASEAN. Nhật Bản đang cân nhắc tăng cường mạng lưới vận tải biển của ASEAN bằng cách cho vay vốn thông qua nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) hay thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản (JBIC), trong khi ASEAN có thể sẽ sử dụng Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN, được thành lập tháng 9/2011, để nhận các nguồn vốn vay này. Trọng tâm của ý tưởng thành lập hành lang kinh tế biển là xây dựng mạng lưới vận tải sử dụng tàu RORO, loại tàu được thiết kế để có khả năng vận chuyển các loại hàng hóa như ôtô, rơmoóc, toa xe hỏa mà không cần sử dụng cần cẩu để bốc dỡ hàng hóa nên tiết kiệm được thời gian và chi phí. Theo thông tin từ Bộ Giao thông Nhật Bản, hiện các loại tàu RORO vận chuyển tới 80% khối lượng hàng hóa giao dịch của Nhật Bản tại châu Á. Trong khi đó, đa số các loại tàu vận tải của một số nước ASEAN như Inđônêxia và Philíppin đều đã cũ và hiệu quả sử dụng thấp. Do vậy, Nhật Bản sẽ mua một số tàu RORO sản xuất trong nước để hỗ trợ việc bốc dỡ hàng hóa tại các nước này. Hiện nay, ASEAN đang xem xét lựa chọn tuyến đường biển cụ thể trong khi Nhật Bản cũng sẽ tiến hành điều tra nhu cầu vận tải thực tế ngay trong tài khóa 2011. 

Một trong những lý do sâu xa cho việc hợp tác này là các nước có liên quan sẽ buộc phải hợp tác nâng cao khả năng phòng vệ trên biển để đảm bảo an toàn cho vận tải biển. Để tham gia quá trình này, Nhật Bản sẽ cử các chuyên gia của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (JCG) cũng như sẽ hướng dẫn sử dụng các loại rađa tính năng cao, đồng thời tăng cường liên kết an ninh với các nước như Inđônêxia, Malaixia để đảm bảo an ninh tại eo biển Malắcca, nơi thường xuyên xảy ra các vụ cướp biển. 

Hiện nay, Nhật Bản và ASEAN đang đẩy mạnh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quốc phòng và các hoạt động trên biển. Thủ tướng Nhật Bản Noda và Tổng thống Philíppin Aquino đã nhất trí sẽ thành lập cơ chế thảo luận định kỳ giữa các quan chức hải quân. Trong cuộc hội đàm mới đây giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Việt Nam, hai bên cũng nhất trí tăng cường liên kết trong lĩnh vực an ninh biển. Để chuẩn bị cho Hội nghị EAS vào tháng 11/2011 tới, Nhật Bản sẽ tăng cường phối hợp với các nước ASEAN để đưa ra các đề xuất xây dựng cơ chế an ninh hàng hải trên Biển Đông khi Hội nghị lần này có sự tham dự chính thức của Mỹ và Nga.

Thuỳ Anh(gt)