Abe_IYNX.jpg

Báo chí Nhật Bản đã đưa tin trong vấn đề Biển Đông, Mỹ yêu cầu Nhật Bản phối hợp trợ giúp. Tuy nhiên, về phương pháp trợ giúp cụ thể, có nên tích cực tham gia trợ giúp hay không, nội bộ Nhật Bản có ý kiến khác nhau, không đưa ra được ý kiến thống nhất. Thậm chí một số nghị sĩ quốc hội nêu rõ vấn đề Biển Đông vốn là chủ trương không liên quan đến Nhật Bản. Tuy nhiên, xem xét từ góc độ lịch sử, rất khó nói Nhật Bản không liên quan đến Biển Đông. Mọi người đều biết, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản dường như đã chiếm toàn bộ các đảo ở vùng biển này. “Hiệp ước San Francisco” và “Hiệp ước Nhật Bản-Đài Loan” ký với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) nêu rõ “Nhật Bản từ bỏ quần đảo Trường Sa đã chiếm đóng”. Về tranh chấp quần đảo Trường Sa bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 20, có thể nói Nhật Bản đã từ bỏ tranh chấp chủ quyền xảy ra sau đó. Vì thế, về mặt lịch sử, Nhật Bản không có liên quan gì đến vấn đề Biển Đông.

Ngoài ra, đối với Nhật Bản, Biển Đông không những là con đường quan trọng trên biển, mà vấn đề biển Hoa Đông và vấn đề Biển Đông còn có quan hệ liên quan phối hợp với nhau. Không những về mặt lịch sử, mà đối với Nhật Bản hiện tại, Biển Đông cũng là vấn đề không thể nhắm mắt làm ngơ. Trung Quốc cho rằng Nhật Bản là “kẻ ngoài cuộc” trong vấn đề Biển Đông, nhưng như trên đã phân tích, có thể nói Nhật Bản có tính chất là bên đương sự nhất định trong vấn đề này. Năm 2015, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, xây sân bay, gây quan ngại cho thế giới. Hành động này đã tạo ra sự thay đổi về thực trạng Biển Đông. Thứ nhất, các nước trên thế giới bao gồm Mỹ vốn không hiểu về tình hình vùng biển này, gần đây mới có nhận thức nhất định về một số chủ trương của nước có liên quan như Việt Nam, Philippines..., và việc Chính quyền Tập Cận Bình thực hiện một cách cứng rắn chính sách trên biển, muốn thay đổi thực trạng và coi thường tự do hàng hải... Thứ hai, đối thoại giữa các nước đương sự ngoài Trung Quốc có tiến triển, cùng chia sẻ nhận thức về vấn đề này. Chẳng hạn, vấn đề đáng được đưa ra là các nước liên quan đối đầu nhưng có quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế, làm thế nào để song hành, làm thế nào để nâng cao năng lực tuần tra của bộ đội biên phòng ven bờ biển là những vấn đề khiến họ đau đầu. Đây bắt đầu trở thành chủ đề chung của các nước có liên quan ngoài Trung Quốc, đồng thời từ đó dần dần hình thành khuôn khổ hợp tác.

Các nước Đông Nam Á không có biện pháp cụ thể để ứng phó

Các nước liên quan cũng nhận thức được thái độ luôn cứng rắn của Trung Quốc, nhưng họ không có biện pháp ứng phó cụ thể. Trong khu vực này, tuy có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng không có tổ chức nào giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Lực lượng quân sự của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là lực lượng quân sự trên biển vốn rất hạn chế. ASEAN vẫn gác lại vấn đề chủ quyền với nhau, rất khó ứng phó trực tiếp và cụ thể đối với vấn đề này.

Tuy mong mỏi Mỹ quyết định điều động tàu khu trục Aegis đến Biển Đông, nhưng Mỹ không thể hiện lập trường trong vấn đề chủ quyền, chỉ cảnh cáo Trung Quốc khi giải thích về đảo đá không được hưởng quyền lãnh hải của đảo, xác nhận nguyên tắc tự do hàng hải và giải thích nguyên tắc này theo “Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển”. Khi xây dựng đảo nhân tạo trên các vỉa san hô ngầm, Trung Quốc có tạo ra quyền lợi mới về lãnh hải hoặc xác định vùng đặc quyền kinh tế mới hay không thì chủ trương của Trung Quốc cũng khác so với chủ trương của các nước châu Âu hay các nước láng giềng của Trung Quốc, khiến hành động can dự của Mỹ có ý nghĩa. Ngoài ra, việc Philippines đã kiện lên Tòa án trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) cũng có khả năng kiềm chế nhất định.

Tuy nhiên, dù Mỹ thực hiện những hành động này cũng không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng sân bay và cơ sở hạ tầng quân sự, Mỹ cũng không cho rằng hành động của Mỹ mang lại được hiệu quả cao. Mặt khác, Mỹ và Trung Quốc đã tập trận chung ở vùng biển cách Thượng Hải không xa, ngoài ra còn muốn mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở vành đai Thái Bình Dương. Dự đoán Trung Quốc không hề đánh giá hành động của Mỹ trong ứng phó vấn đề Biển Đông là đủ cứng rắn. Trong tình hình đó, Nhật Bản vốn tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc, dường như được các nước Đông Nam Á tha thiết mong đợi có thể can dự vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nhưng điều đáng tiếc là Nhật Bản hiện nay rất khó điều động lực lượng phòng vệ trên biển đến Biển Đông. Năm 2015, tuy quốc hội đã thông qua luật an ninh mới, nhưng nội dung hết sức kiềm chế, ngoài việc nêu rõ điều kiện điều động quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, chấp nhận hạn chế đối với quyền phòng vệ tập thể, thì cũng không có sự thay đổi lớn so với trước đây. Do đó, Nhật Bản rất khó điều động quân đội đến Biển Đông. Ngoài ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng chính là lực lượng được điều động tuần tra ven bờ biển, có thể hoạt động trong phạm vi xem xét của Chính phủ Nhật Bản; nhưng Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang ứng phó với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, năng lực đã nhanh chóng đi đến điểm tới hạn, rất khó có khả năng điều động thêm tàu đến Biển Đông.

Khi đối mặt với việc Trung Quốc không hề giảm bớt chính sách cứng rắn hiện nay, Nhật Bản có thể làm được gì? Thứ nhất là cố gắng ngăn chặn Trung Quốc xây thêm các đảo nhân tạo và sân bay. Thứ hai, ký hiệp định ngăn chặn sự cố trên biển, xây dựng đường dây nóng khi xảy ra tình trạng khẩn cấp... trong vấn đề vùng biển, nhằm xây dựng cơ chế ngăn chặn tình hình leo thang. Thứ ba là nỗ lực giảm bớt khác biệt về nhận thức đối với cách giải thích luật biển quốc tế, tiến hành đối thoại với những quốc gia bao gồm Trung Quốc về vấn đề này. Thứ tư là triển khai ngoại giao nhân dân với những nước không liên quan đến Biển Đông trên thế giới, không để sự tuyên truyền của Trung Quốc trở thành tiếng nói duy nhất. Thứ năm là nâng cao năng lực của lực lượng tuần tra ven biển và lực lượng quân sự trên biển của các nước có liên quan ở Biển Đông. Tóm lại, điều then chốt là Nhật Bản cần thông qua thực hiện các giải pháp trên, dần dần tìm được điểm cân bằng với Trung Quốc, đồng thời thuyết phục các nước trên thế giới can thiệp, tìm kiếm lộ trình giải quyết vấn đề giữa các nước liên quan trong đó có Trung Quốc./.

Theo “Liên hợp buổi sáng

Nhật Linh (gt)