Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí chi 24,7 nghìn tỷ yen (240 tỷ USD) từ năm 2014 đến năm 2019 trong khuôn khổ kế hoạch chuyển hướng chiến lược tập trung vào khu vực phía nam và phía tây của đất nước. Qua danh sách các hạng mục vũ khí sẽ được mua, người ta có thể thấy ông Abe đang nỗ lực nâng cấp quân đội của Nhật Bản. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết tại một cuộc họp có sự tham dự của các chuyên gia an ninh chính phủ, ông Abe đã đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta có thể thực sự bảo vệ được đất nước và cuộc sống của người dân hay không khi chỉ đơn thuần thực hiện quyền tự vệ cá nhân?"

Kế hoạch chi tiêu quy mô lớn nhằm mua các loại vũ khí hạng nặng được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản thiết lập một Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu Mỹ, được cho là sẽ tập trung quyền lực hơn nữa vào tay một số ít chính khách và quan chức cấp cao. Nhật Bản ngày càng lo ngại về sức mạnh gia tăng của Trung Quốc, trong bối cảnh hai nước đang lâm vào một cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông và mối đe dọa lâu nay từ một nước Triều Tiên khó đoán định. Sách Trắng về An ninh Quốc phòng mới nhất của Nhật Bản (đã được nội các Nhật phê chuẩn ngày 17/12) đã kêu gọi Nhật Bản tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó với "mối đe dọa hiện hữu và nghiêm trọng" từ Triều Tiên. Sách Trắng cũng đề nghị thành lập một "lực lượng phòng vệ chung năng động" để giúp các lực lượng hải, lục, không quân phối hợp với nhau hiệu quả hơn. Ông Abe cho rằng động thái này sẽ khiến quân đội Nhật Bản đảm đương tốt hơn các trách nhiệm trên trường quốc tế. Ông nói: "Chúng tôi hy vọng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cách để chứng tỏ sự minh bạch trong chính sách quốc phòng và ngoại giao của đất nước chúng tôi".

Chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ được nâng lên mức 24,7 nghìn tỷ yen trong 5 năm tới, bắt đầu từ tháng 4/2014, tăng so với mức 23,5 nghìn tỷ yen của 5 năm qua. Tuy nhiên, con số này cũng có khả năng bị cắt giảm tới 700 tỷ yen nếu Bộ Quốc phòng Nhật Bản buộc phải tiết kiệm. Các vũ khí hạng nặng mới sẽ gồm 2 tàu khu trục được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis và 28 máy bay phản lực chiến đấu F-35 mới, một máy bay do thám ưu việt hơn nhiều so với các máy bay F-15 mà Nhật Bản đang sử dụng. Nhật Bản cũng sẽ mua 3 máy bay không người lái, 52 xe lội nước, 17 máy bay lên thẳng Osprey và 5 tàu ngầm - tất cả đều được thiết kế để có thể tăng cường khả năng giám sát của hải quân và khả năng bảo vệ các hòn đảo ngoài khơi.

Giới phân tích cho rằng loạt vũ khí mới này sẽ thay thế các trang thiết bị đã lỗi thời, song nó cũng nêu bật thực tế là Nhật Bản đang tái định hướng các ưu tiên quân sự. Hideshi Takesada, chuyên gia về an ninh khu vực của trường Đại học Takushoku ở Tokyo, nói: "Sách Trắng đã nêu bật một sự thay đổi rõ ràng trong trọng tâm quốc phòng chính của Nhật Bản, đó là nhằm bảo vệ các hòn đảo của nước này ở Biển Hoa Đông. Nó cho thấy Nhật Bản sẵn sàng phòng vệ một cách kiên quyết nếu những tuyên bố hùng hồn của Trung Quốc biến thành hành động quân sự thực tế". Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng mạnh mẽ hồi tháng trước khi Trung Quốc đột ngột tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku mà Tokyo đang kiểm soát.

Theo “Japan Today” 

Vũ Hiền (gt)