Một số chuyên gia cho rằng do Nhật Bản luôn tuân thủ tập quán và luật lệ quốc tế, nước này khó có thể là mối đeo dọa và hơn nữa sự tăng cường hỗ trợ của Tokyo với Mỹ sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong các tình huống khẩn cấp trên Bán đảo Triều Tiên. Luồng ý kiến khác nhấn mạnh khả năng Nhật Bản tái theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt, đặc biệt khi các lãnh đạo theo trường phái dân tộc chủ nghĩa tại Tokyo luôn từ chối trang trải các hành vi sai trái của nước Nhật trong quá khứ.

Sự lo ngại của công chúng Hàn Quốc về đạo luật quốc phòng mới của Nhật Bản một lần nữa cho thấy rất nhiều người Hàn Quốc vẫn coi Nhật Bản là mối đe dọa an ninh. Điều này lý giải vì sao các quan chức Seoul đã liên tục kêu gọi Tokyo bảo đảm sự minh bạch trong chính sách quốc phòng để thúc đẩy hòa bình tại khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo đã nhắc lại vào ngày 21/9 rằng nếu không có yêu cầu hoặc sự đồng thuận từ phía Seoul, Tokyo không được gửi quân tới Bán đảo Triều Tiên, ngay cả khi Mỹ có yêu cầu. Ông nói: “Quyền chỉ huy trong chiến tranh thuộc về lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ. Do đó, nếu Tổng thống Hàn Quốc khước từ yêu cầu của Mỹ đối với sự hỗ trợ quân sự từ phía Nhật Bản, quân đội Nhật Bản không thể tiến vào Hàn Quốc”.

Với những luồng ý kiến trái chiều, một số chuyên gia cho rằng thay vì tranh cãi về tác động của chính sách quốc phòng mới từ phía Tokyo, Hàn Quốc nên tìm ra cách thức tận dụng lợi ích của chính sách này. Giáo sư chính trị học Park Young-june thuộc Đại học Quốc phòng Hàn Quốc nói: “Nếu xem xét kỹ đạo luật an ninh của Nhật Bản, có thể tìm ra rất nhiều nội dung về tăng cường sự hợp tác gữa Mỹ và Nhật Bản nhằm ngăn ngừa các hành động khiêu khích quân sự từ phía Triều Tiên. Đạo luật này bảo đảm sự hợp tác an ninh ở mức độ lớn hơn từ phía Nhật Bản. Sự tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản trên thực tế sẽ giúp thúc đẩy hợp tác an ninh Mỹ - Hàn Quốc trên rất nhiều lĩnh vực”.

Giáo sư chính trị quốc tế Lee Won-deog thuộc Đại học Kookmin cho rằng, xét tình hình kinh tế và mức độ già hóa dân số tại Nhật Bản, ít có khả năng Nhật Bản sẽ theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt như trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II. “Nhật Bản của thế kỷ 21 đã thay đổi so với thế kỷ 20, mặc dù chúng ta vẫn nghi ngại về quá khứ quân phiệt của nước này. Nói một cách thực tế, Nhật Bản hiện không có nền tảng kinh tế đủ mạnh để theo đuổi chính sách đế quốc. Với dân số đang già hóa và suy giảm, Nhật Bản khó tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để phục vụ cho chính sách quân sự đơn phương”.

Nhằm ngăn ngừa các kịch bản xấu nhất, bao gồm việc Nhật Bản đơn phương can thiệp vào Bán đảo Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng Seoul cần tăng cường các kênh đối thoại với Tokyo và theo đuổi các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Các cơ chế an ninh khu vực sẽ giúp ngăn ngừa Nhật Bản áp dụng các chính sách quốc phòng gây mất ổn định, đồng thời góp phần bảo đảm quốc gia này thực hiện cam kết đóng góp tích cực chyo hòa bình toàn cầu. Giáo sư Nam Ki-jeong thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản, Đại học Quốc gia Seoul nói: “Điều Seoul có thể làm là theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để đưa Nhật Bản vào khuôn khổ hợp tác an ninh đa phương. Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng có thể tham gia vào cơ chế này để thúc đẩy hòa bình chung của khu vực”.

Theo Korea Herald

Văn Cường (gt)