Để đối phó, Nhật Bản cần phải tăng cường sức mạnh răn đe, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp. Đó là tình huống chưa từng được lường trước và việc không chuẩn bị sẵn sàng sẽ đẩy đất nước vào tình trạng nguy hiểm. Trước hết, cần tăng cường quyền lực và sức mạnh của Cơ quan Bảo an Trên biển (JCG), lực lượng chịu trách nhiệm cảnh giới, giám sát quần đảo Senkaku. Hiện Chính phủ Nhật Bản đã đẩy nhanh kế hoạch đóng mới 4 tàu tuần tra cỡ lớn. Tuy nhiên, để đối phó với Trung Quốc - nước đang tăng nhanh số tàu tuần tra của chính phủ - ngoài việc tăng số nhân viên JCG, Nhật Bản cũng cần thảo luận việc sử dụng Lực lượng Phòng vệ Trên biển (MSDF). Điều đáng nói là Lực lượng Phòng vệ (SDF) đã yếu đi về chất và lượng do hậu quả của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong 10 năm qua. Quân số Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) đã giảm từ 155.000 người xuống còn 154.000 người, máy bay tác chiến giảm ít nhất 10 chiếc xuống còn 340 chiếc. Trong khi số máy bay chiến đấu không tăng, SDF tiếp tục phải đối phó một cách tạm bợ với tình hình khó khăn bằng các biện pháp như bố trí hai phi đội tại căn cứ ở Naha, Okinawa.

Nhật Bản cần phải xây dựng lực lượng phòng vệ có thể đối phó với Trung Quốc. Để tăng cường sức mạnh phòng thủ quần đảo Nansei, cần triển khai trên thực tế đơn vị giám sát bờ biển tới đảo Yonaguni trước năm 2015. Để GSDF có thể ứng phó một cách linh hoạt với nhiệm vụ chiếm lại các đảo xa, cần phải gấp rút đưa vào sử dụng các xe lưỡng dụng trên mặt đất và dưới nước. Tiếp đó, cần thảo luận việc sở hữu các tên lửa đối hạm Tomahawk, coi đó là một sức mạnh răn đe. Để làm được những điều đó, rõ ràng không thể không tăng ngân sách quốc phòng.Việc gấp rút chuẩn bị về mặt luật pháp để tăng cường cảnh giới lãnh thổ và nâng cao năng lực đối phó chung Nhật-Mỹ bằng cách thừa nhận sử dụng quyền phòng vệ tập thể cũng là những việc quan trọng. Phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào “bảo vệ chủ quyền quốc gia, không lùi bước trước bất cứ áp lực nào từ bên ngoài” là tuyên bố nhằm vào Mỹ. Tổng thống Mỹ tái đắc cử Obama một mặt đưa ra quan điểm coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng mặt khác buộc phải cắt giảm lớn ngân sách quốc phòng do thâm hụt tài chính khổng lồ. Do đó, để tự vệ, Nhật Bản đương nhiên cần phải áp dụng các chính sách cần thiết.

Vũ Hiền (gt)