Ngoài khoản ngân sách được đề nghị kể trên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các khoản phí tổn liên quan đến việc tái triển khai một phần các lực lượng Mỹ từ đảo Okinawa đến các hòn đảo của Mỹ trong khu vực, trong đó có đảo Guam, sẽ khiến cho toàn bộ chi phí quân sự của Nhật Bản trong năm sau sẽ lên tới 5.050 tỷ yên (53 tỷ USD), tăng 3,5% so với năm trước đó. Nếu đề nghị này được chấp nhận, thì đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng kể từ khi Thủ tướng theo đường lối bảo thủ Shinzo Abe lên cầm quyền vào tháng 12/2012, và điều đó hoàn toàn phù hợp với chủ trương của ông, muốn phát triển nền quốc phòng của Nhật Bản trước những mối đe dọa của các đối thủ trong khu vực. 

Đề nghị tăng ngân sách quốc phòng được đưa ra 3 tuần sau khi nước này công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2014, trong đó nêu bật mối lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc và “những mưu toan thay đổi nguyên trạng”, ám chỉ việc Bắc Kinh đã thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào năm 2014, trong đó có không phận của nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước. Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản cũng coi Triều Tiên là “một nhân tố gây mất ổn định nghiêm trọng toàn khu vực và toàn thế giới”. 

Đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng kể trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu được cấp 378,1 tỷ yên để có thể triển khai 20 máy bay giám sát P1 theo 4 nhóm từ năm 2018 đến 2021. Ngoài ra, cũng phải kể tới kế hoạch sắm mới hai tàu khu trục Aegis hạng Atago với những khả năng chống tên lửa đạn đạo được cải tiến, nhằm tăng cường sức mạnh cho hạm đội tàu chiến từ nay đến cuối tài khóa 2020. Một tàu ngầm mới lớp Soryu, có thể lặn dưới nước trong hai tuần liên tục, cũng được đề nghị trang bị cho giới nhà binh Nhật Bản, cùng với 6 máy bay tiêm kích F-35A với tổng số tiền 131 tỷ yên đã được ghi vào trong phần chi của ngân sách năm tới. Lý do để mua sắm thêm máy bay xuất phát từ nhận định cho rằng Nhật Bản hiện thiếu khả năng chiến đấu trên không và có thể gặp khó khăn trong việc duy trì ưu thế trên không trong những vùng xung quanh Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng muốn sở hữu các hệ thống báo động trên không tiên tiến nhất, 3 máy bay không người lái HALE Global Hawk - có thể thực hiện sứ mệnh giám sát ở trên cao, với tầm hoạt động rất dài và trong thời hạn lâu hơn hẳn những loại hiện có - và cả các vệ tinh quan sát mới nữa.

Kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ của giới dân sự. Chẳng hạn, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản hoàn toàn tán thành chủ trương tăng gấp đôi ngân sách dành cho các đội tuần tra bờ biển để tăng cường giám sát các hòn đảo Senkaku. Khoản kinh phí lên tới 50,4 tỷ yên (485 triệu USD hay 367 triệu euro) đã được đề nghị cho tài khóa tiếp theo (từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016) để đáp ứng yêu cầu của lực lượng tuần tra bờ biển, đề nghị được thêm máy bay tiêm kích, 10 tàu biển lớn và tăng quân số. Lực lượng này cũng chủ trương xây mới một bến tàu, nhà ở và mua sắm các thiết bị khác để tăng cường cho căn cứ trên đảo Ishigashi, gần vùng biển đang tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Nỗ lực của các đội tuần tra biển cũng sẽ bổ sung cho việc tăng cường khả năng tác chiến thủy lục quân phối hợp của Nhật Bản nhằm bảo vệ nhóm đảo Senkaku và các hòn đảo khác. 

Yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng lần này thể hiện quyết tâm của Nhật Bản trong việc đối phó với Trung Quốc. Cũng cần nhắc lại rằng hồi tháng 3/2013, Trung Quốc đã thông báo tăng 5,7% ngân sách quốc phòng để đạt 119,5 tỷ USD, song Mỹ cho rằng trên thực tế con số này phải tới 145 tỷ USD, tức là gấp ba lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản. Như vậy, nếu tính từ năm 2004 đến 2013, ngân sách quân sự của Trung Quốc chính thức tăng 9,4% mỗi năm, trong khi cho dù đề nghị kể trên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có được chấp nhận, thì cũng chưa thể đạt tới mức tăng của Trung Quốc. 

Theo Chính trị thế giới

Duy Anh (gt)