Một linh kiện sản xuất từ Nhật Bản được dùng trong tên lửa của Trung Quốc

 

Mới đây có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mua tên lửa đất đối không tầm xa Hồng Kỳ 9 loại FD2000 do Trung Quốc sản xuất để trang bị cho hệ thống phòng không của nước này. Trong số các ý kiến quan ngại của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), người ta phát hiện Trung Quốc sử dụng các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất dùng cho loại tên lửa này. Ngoài ra, ngay cả rađa phòng không đặt trên tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo của Trung Quốc cũng sử dụng ăngten “made in Japan ”. Một nhà bình luận quân sự của Trung Quốc khẳng định “đây là nguy cơ tiềm ẩn đối với quốc phòng”. Trong khi Bắc Kinh đang đối đầu với Nhật Bản xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (thành phố Ishigaki, Okinawa) thì trên thực tế Trung Quốc lại phụ thuộc chặt chẽ vào nước này về mặt quân sự. 

Linh kiện “made in Japan ” dùng cho vũ khí 

Đơn vị tiếp nhận đơn đặt hàng tên lửa là một công ty Trung Quốc có tên là Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC). Công ty này nằm trong danh sách đen của Chính phủ Mỹ, thuộc diện các công ty có dính líu đến chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Trong cuộc mời thầu cạnh tranh trị giá 4 tỷ USD, công ty này đã đưa ra gói thầu rẻ nhất 3,44 tỷ USD. Với việc áp đảo các công ty của Mỹ và châu Âu, CPMIEC được dư luận trong nước đánh giá là một “thắng lợi” quan trọng. 

Mạng “Hoàn cầu” thuộc “Nhân dân Nhật báo” , cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng “bức ảnh chứng cứ” cho thấy quân đội nước này đã sử dụng mạch điện do một công ty Nhật Bản sản xuất. Ngoài ra, tờ báo này cũng đăng tải ảnh chụp rađa hàng hải của hãng điện tử Nhật Bản trên tàu ngầm hải quân Trung Quốc. 

Mạng “Hoàn cầu” cho rằng: “Việc các hãng sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản và Hàn Quốc độc chiếm thị trường trở thành nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc phòng của Trung Quốc”. Nhà bình luận quân sự đặc biệt Lôi Trạch đã thừa nhận rằng: “Ngành công nghiệp quốc phòng của bất kỳ quốc gia nào cũng phải dựa vào chính năng lực công nghiệp và thông tin hoá của quốc gia đó. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghiệp hoá song việc sản xuất các linh kiện điện tử vi mạch như bóng bán dẫn và thiết bị điện tử chính xác cũng như ứng dụng vật liệu mới hay trong lĩnh vực gia công thiết bị, Trung Quốc vẫn còn tụt lại một khoảng cách khá xa so với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ”. 

Cấm nhập thì đe doạ nền quốc phòng 

Do vậy, ông Lôi khẳng định: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc phụ thuộc mạnh mẽ vào việc nhập khẩu sợi cácbon, linh kiện điện tử và chất bán dẫn từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu cấm nhập những thứ này thì hậu quả sẽ khôn lường. Việc giải quyết cho kỳ được nhược điểm này là vấn đề quan trọng giúp Trung Quốc có thể ngẩng cao đầu”. Ông này cũng cho biết: “Không chỉ xét trên góc độ công nghiệp và phát triển kinh tế quốc gia, Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề này trên phương diện an ninh quốc phòng và chiến lược quốc gia. Việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc là vấn đề có ý nghĩa hết sức cấp bách”. 
Trên mạng Internet của Trung Quốc xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về tính xác thực của thông tin trên khi cho rằng đây có thể là “chiêu bài tuyên truyền của Nhật Bản và Hàn Quốc”. Song, vào trung tuần tháng 10/2013, báo giới đã công bố bức ảnh cho thấy ăngten của công ty điện tử Nhật Bản được dùng cho rađa trên tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một nửa cư dân mạng “bán tín bán nghi” rằng “làm sao lại có thể dán logo của công ty lớn như thế trên một tàu khu trục của quân đội?” nhưng sau khi nhìn vào danh sách các linh kiện do Nhật Bản sản xuất trong số các thiết bị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thì không còn nghi ngờ gì nữa. 

Đổi mục đích sử dụng từ dân sự sang quân sự 

Năm 1967, Nhật Bản tuyên bố không xuất khẩu vũ khí sang các nước có tranh chấp hoặc những nước thuộc diện cấm nhập vũ khí theo Nghị quyết của Liên hợp quốc và các quốc gia Cộng sản. Năm 1976, Tokyo giữ quan điểm “tránh” xuất khẩu sang cả những nước ngoài danh sách cấm này. Năm 2011, Nội các Thủ tướng Yoshihiko Noda đã bãi bỏ lệnh cấm sản xuất, xuất khẩu và cùng phát triển vũ khí trên quy mô quốc tế vì mục đích hoà bình. Và rồi đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã đề ra phương châm tạo nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng và tăng trưởng kinh tế mở đường cho việc xuất khẩu và sử dụng các thiết bị quốc phòng với mục đích dân sự mà không vi phạm “ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. 

Tuy nhiên, quay trở lại với vấn đề vừa nêu, Trung Quốc đã phát triển vũ khí bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng sang quân sự sau khi nhập thiết bị theo con đường dân sự. Bắc Kinh không thể nói rằng họ không hề sử dụng thiết bị “made in Japan ” cho các tàu công vụ đang có hành động uy hiếp Nhật Bản ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku. Rõ ràng, là doanh nghiệp làm ăn, các công ty Nhật Bản có thể xuất khẩu phù hợp với các quy định để nâng cao lợi nhuận từ hoạt động này nhưng nếu chứng kiến hành vi trong những năm qua của Trung Quốc thì sẽ chẳng có lời giải thích nào đủ để khiến dư luận thực sự hài lòng.

Theo Sankei

Quốc Trung (gt)