Trong khi Mỹ có thể hy vọng vào các đồng minh, đã qua thời gian kiểm chứng, là Nhật Bản và Ôxtrâylia, thì mối bận tâm của nước này đối với Trung Quốc và Nga lại đang gia tăng và mối bận tâm này hình thành như thế nào sẽ ảnh hưởng rõ ràng đến “cường quốc năng động tại châu Á - Thái Bình Dương”. 

Những lời chúc mừng theo thông lệ và phản hồi sớm từ phía Bắc Kinh và Mátxcơva đã cho thấy những dấu hiệu về mức độ kỳ vọng của hai cường quốc này đối với nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama. Cả hai cường quốc này đều không cho thấy sự quan tâm đáng kể nào đến quá trình cạnh tranh trong cuộc bầu cử ngày 6/11 cũng như kết quả nào sẽ xảy ra, đồng thời khoác lên mình một dáng vẻ xa cách thận trọng, nhưng cả hai lại tranh nhau phản ứng sớm ngay khi thông tin về chiến thắng của ông Obama được công bố. 

Trung Quốc duy trì thái độ lạc quan một cách thận trọng rằng những mâu thuẫn trong mối quan hệ với Mỹ nằm trong tầm kiểm soát và không cần thiết phải đẩy lên mức đối đầu. Bắc Kinh cố gắng lý giải rằng sẽ không có bất cứ điều gì là “không thể không biết” xét trong tổng thể mối quan hệ cho đến thời điểm này vì Bắc Kinh có thể lường trước được những điều có thể xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Obama. 

Tất nhiên, quân át chủ bài của Trung Quốc là sự phụ thuộc lẫn nhau lớn trong mối quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay và Bắc Kinh tự tin rằng họ có thể có vai trò hữu ích trong sự phục hồi kinh tế của Mỹ. 

So sánh với Nga, phản ứng của Mátxcơva lại là một cái gì đó kín đáo và có điều kiện, không phải là thất vọng với những gì mong muốn nhưng lại không chắc chắn về việc làm thế nào để có được một cách ứng phó mới. Trong khi đó, Mátxcơva đang muốn đối phó với bầu không khí bất an trong ngắn hạn. 

Sự cởi mở hoàn toàn 

Cả Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc cùng chúc mừng ông Obama, nhấn mạnh sự gần gũi trong mối quan hệ hơn cả ở mức lễ tân ngoại giao. Điều thú vị là Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi lời chúc mừng tới Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Joe Biden đã tiếp ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm gần đây nhất đến Mỹ hồi tháng Hai vừa qua và được đánh giá là chuyến thăm rất thành công. Trong chuyến thăm này hai nhà lãnh đạo được cho là đã có một cuộc đối thoại trực tiếp sôi nổi trong nhiều giờ. Biden sau đó thuật lại rằng hai người có một mối quan hệ cá nhân thân thiết bất chấp sự khác biệt giữa hai quốc gia trong vấn đề chính sách ngoại giao và thương mại. Biden viết: “Ông ấy đã hoàn toàn thẳng thắn. Ông ấy cởi mở. Cũng như tôi, ông ấy cố gắng hiểu quan điểm của đối phương. Bạn không thể đòi hỏi hơn thế… Ông ấy muốn biết chi tiết. Tôi có ý thức rõ ràng rằng ông ấy muốn hiểu mong muốn của chúng ta và mối quan tâm của chúng ta là gì”. 

Bắc Kinh rõ ràng đã có sự khởi động sớm cho việc lựa chọn ông Tập Cận Bình là người đứng đầu nhà nước vào tháng Ba tới bằng việc viện vào mối quan hệ cá nhân đã phát triển rõ ràng giữa Tập Cận Bình và Joe Biden. 

Nhưng lạ thay, Mátxcơva đã bỏ qua một cơ hội tuyệt vời tương tự khi Điện Cremlin không chọn quân bài chủ lực Dmitry Medvedev, mặc dù Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có một mối quan hệ rất tốt với ông Obama trong suốt nhiệm kỳ tổng thống Nga cho đến tận tháng Năm vừa qua. Vì vậy, ông Medvedev, khi đang có chuyến thăm Việt Nam, đã không phản hồi công khai và trong dịp này, ông đưa ra một thông điệp được chuẩn bị cẩn thận từng lời từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, một thông điệp thận trọng, thân mật nhưng không có bất kỳ sự nhiệt tình hay nồng ấm cá nhân nào. Trong khi đó, ông Medvedev rõ ràng là rất cảm xúc: “Tôi vui mừng khi quốc gia lớn nhất và mạnh mẽ nhất thế giới sẽ được điều hành bởi một người không xem Nga là kẻ thù địa chính trị số một. Tôi tin rằng ông ấy (Obama) là một tổng thống thành công. Ông ấy là một đối tác có thể đoán trước của Nga. Tôi không giấu giếm rằng nền kinh tế của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế Mỹ. Bất kể chúng tôi có thích điều đó hay không, bất kể chúng tôi có tốt với người Mỹ hay không, mọi gia đình Nga đều phụ thuộc vào giá trị của đồng USD… Chúng tôi (tôi và ông Obama) đã bắt đầu ‘tái khởi động’ mối quan hệ. Nó đã có những thành công… Chúng tôi mong muốn nhận được kết quả tốt. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có mối quan hệ bình thường với Obama. Nó cũng quan trọng đối với tình hình trên toàn thế giới”. 

Mátxcơva rõ ràng đã phát biểu bằng hai giọng điệu, bất kể là ngoài mong muốn hay bất đồng chính thống. Trên thực tế, khi một tiếng nói thứ ba xuất hiện song song - của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - tiếng nói đó dễ dàng hòa nhập cùng với thông điệp của Putin. 

Ông Lavrov đã nói một điều gì đó na ná như kiểu Barkis từng chuyển đến Clara Pegotty thông qua David Copperfield trong cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng của Charles Dickens: Nga sẵn sàng tiến tới trong quan hệ với Mỹ và sẵn sàng làm gì đó có lợi cho Oasinhtơn. 

Trong khi đó, Tổng thống Putin đã mời ông Obama tới thăm Nga, chuyến thăm có thể diễn ra trong tháng 6/2013 khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại thành phố St. Petersburg. Ông Lavrov kết luận: "Việc chúng tôi tiếp tục hợp tác với chính quyền này là điều tự nhiên. Chúng tôi sẵn sàng làm hết khả năng trên cơ sở của sự công bằng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, tương ứng với những gì chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng thực hiện". 

Công bằng, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi 

Phản ứng của Trung Quốc và Nga về nhiệm kỳ mới của ông Obama tại Nhà Trắng cho thấy những mối quan tâm và ưu tiên của hai quốc gia này. Sự không thoải mái của Mátxcơva là rất rõ ràng. Obama đưa ra những cam kết có lựa chọn đối với Nga, trong khi bỏ qua các vấn đề khác và không chú ý đến lợi ích của Nga. Mặt khác, Bắc Kinh lại nhận được quá nhiều sự chú ý của Obama. 

Nga tìm kiếm sự công bằng xét về khía cạnh vai trò gánh nặng trong sự cân bằng chiến lược toàn cầu, điều mà Nga coi là cốt lõi của trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh và không vui với việc Oasinhtơn không còn chú ý đến những điều này kể từ sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ. 

Ngược lại, Trung Quốc cảm thấy tự tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn hầu như khiến họ phải đứng về cùng một phía và hai nước này có nhu cầu thực sự phải “bơi cùng nhau”. 

Bình luận của Tân Hoa xã về chiến thắng của ông Obama, đăng tải ngày 7/11: “Không một Tổng thống Mỹ nào có thể bỏ qua mối quan hệ với Trung Quốc trong 4 năm tới, khi mà kim ngạch thương mại song phương có thể đạt mức cao nhất 500 tỷ USD trong năm nay và gần 10.000 người qua lại giữa hai nước mỗi ngày”. 

Trong khi Mátxcơva đánh giá rằng việc Obama “tái khởi động” mối quan hệ Nga-Mỹ đã bị suy tàn, thì Bắc Kinh lại cố gắng hài lòng rằng bất chấp những mâu thuẫn bắt nguồn từ việc Mỹ “tái cân bằng” tại châu Á, quan hệ đối tác Trung-Mỹ đã có bước tiến vững chắc trong 4 năm qua. Tân Hoa xã nhấn mạnh: “Với hiểu biết chung về việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung, hai nước đã xác định vai trò của đối phương và quan hệ với nhau theo một cách rõ ràng và tích cực hơn. Đối thoại giữa hai nước đã suôn sẻ và hiệu quả hơn.” 

Cảm giác lo lắng như trong giọng điệu của Nga không có trong đánh giá của Trung Quốc về quỹ đạo của mối quan hệ trong tương lai với Mỹ. Một lần nữa, chủ nghĩa hiện thực lại xuất hiện trong những ưu tiên của Trung Quốc trong bối cảnh một thế giới mở, Tân Hoa xã nhận định: “Tuy nhiên, tranh cãi giữa quốc gia phát triển nhất và quốc gia mới nổi lớn nhất thế giới cũng là rất rõ ràng và luôn tồn tại nguy cơ đối đầu… Trung Quốc muốn xây dựng một kiểu quan hệ mới - dựa trên sự hợp tác và lợi ích chung… Nếu Mỹ không thay đổi những định kiến truyền thống, mâu thuẫn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều khi mà Trung Quốc tiếp tục phát triển và bảo vệ lợi ích của mình. 

Trung Quốc có rất nhiều vấn đề cấp bách nội bộ cần quan tâm… Trung Quốc không thể kham nổi chi phí cho sự đối đầu toàn diện với thế giới bên ngoài. Mỹ cũng cần Trung Quốc, không chỉ về phát triển kinh tế, mà còn trong nhiều phạm vi khác. Khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy toàn cầu hóa đã khiến các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau như thế nào… Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác cùng nhau vì sự ổn định của thế giới trong tương lai.”

Những cánh rừng sâu, tối và hấp dẫn 

Trong khi Trung Quốc đang đánh giá một khu rừng - xem cánh rừng đó sâu và tối đến đâu, thì Nga lại khác biệt khi kiên trì đi đếm từng gốc cây. Mátxcơva bị sa lầy vào suy nghĩ rằng Hạ viện Mỹ sẽ ban hành cái gọi là Danh sách Magnitsky, cái mà Nga coi như là một sự thay thế ngầm cho Luật sửa đổi Jackson-Vanik thời kỳ Chiến tranh Lạnh theo đó đã hạn chế quan hệ kinh tế Nga-Mỹ. 

Theo nhận định của Sergei Rogov, giám đốc của Học viện Nghiên cứu về Mỹ và Canađa tại Mátxcơva, các đám mây đang tụ lại để chuẩn bị cho một cơn bão bất ngờ trong quan hệ Nga-Mỹ, tuy nhiên “sau một thời gian, Chính quyền Obama có thể tiến tới một lịch trình mới cho quan hệ với Nga”. 

Rogov cho rằng Obama sẽ phải tìm đến hợp tác với Nga về vấn đề Ápganixtan và vấn đề giải trừ quân bị và những thảo luận cực kỳ nghiêm túc sẽ diễn ra về vấn đề gây tranh cãi xung quanh chương trình phòng thủ tên lửa. Nhưng theo Rogov, điều tốt nhất có thể nói là: “Nhìn chung, tôi không cho rằng Chính quyền Obama sẽ đẩy quan hệ Nga-Mỹ đến khủng hoảng nghiêm trọng”. Tóm lại, Mátxcơva có thể kỳ vọng nhiều hơn vào giải pháp hỗn hợp như trước đây là tham gia có lựa chọn và phớt lờ một cách ôn hòa trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama. 

Cả Bắc Kinh và Mátxcơva đều rất háo hức với sự lựa chọn của Obama về vị trí Ngoại trưởng Mỹ tiếp theo. Cả hai đều hình dung rằng sự lựa chọn của Obama sẽ thu hẹp nhằm vào Thượng nghĩ sỹ John Kerry. 

Tất nhiên, John Kerry còn mới đối với quan hệ với Trung Quốc, trong khi ông ta là một gương mặt quen thuộc đối với Mátxcơva và là một gương mặt mang lại cảm giác vừa ưng ý vừa mất lòng (mặc dù nó sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu Obama chuyển sang lựa chọn Susan Rice, người đã có rất nhiều bình luận không khéo léo về các chính sách của Nga). Để chắc chắn, Trung Quốc sẽ mong muốn sự thay đổi vị trí của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner. 

M K BhadrakumarAsia Times Online

Thuỳ Anh (gt)