Thời gian gần đây quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đột ngột nóng lên. Có ý kiến cho rằng hai kẻ thù trước đây không đội trời chung nay tiếp cận nhau, nguyên nhân căn bản là do lợi ích chiến lược của hai bên có xu hướng gặp nhau rất mạnh ở một số phương diện, trong đó nhân tố Trung Quốc chính là mấu chốt ở điểm gặp nhau đó. Đối với Mỹ, muốn kiềm chế và cân bằng Trung Quốc thì Mỹ phải phát huy giá trị địa chiến lược của Việt Nam. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung dài hơn 1.300 km, Việt Nam cũng đồng thời án ngữ khu vực phía Tây của Biển Đông, vì thế bất luận là trong vòng cung bao vây Trung Quốc hình chữ “C” mà Mỹ thiết lập ở trên bộ hay là trong “chuỗi đảo thứ nhất” để bao vây Trung Quốc trên biển thì Việt Nam cũng đều là một khâu quan trọng không thể thiếu. 

Đối với Việt Nam, trong khi những trùng hợp của Trung Quốc với Việt Nam ở Biển Đông ngày càng tăng lên nhiều hơn, Việt Nam cũng hy vọng dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực này để đương đầu, cân bằng lại với nước láng giềng. Một mặt, lãnh đạo cấp cao Việt Nam dựa vào sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, tranh thủ tình cảm dân tộc ở trong nước bằng thái độ cứng rắn. Nhưng mặt khác, Việt Nam cũng tính đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc nên lại không muốn làm cho mâu thuẫn gay gắt dẫn đến xung đột trực tiếp với Trung Quốc. Ngoài mục đích kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc, hai nước Mỹ-Việt tiến đến gần nhau hơn cũng có tính toán trong vấn đề kinh tế. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế Mỹ tiếp tục xấu đi nên cũng phải cần đến Việt Nam để chấn hưng kinh tế. Còn Việt Nam có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao cũng cần đến nguồn đầu tư của Mỹ nhiều hơn. 

Trên thực tế hai bên cần đến nhau trong lĩnh vực kinh tế cũng có nguồn gốc từ lâu. Năm 1994, Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ đã thực thi đối với Việt Nam từ năm 1975. Năm 2000 hai nước ký “Hiệp định thương mại Việt-Mỹ”. Năm 2006 Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn về thương mại. Trong cùng năm, Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO. Quan hệ Mỹ-Việt hiện không ngừng ấm lên nhưng xét tổng hợp từ các nhân tố, cho thấy mối quan hệ này sẽ khó phát triển lên được đến tầm cao hơn. Thứ nhất, hai nước rất khó vượt qua được những bất đồng về ý thức hệ và những ân oán lịch sử. Thứ hai, quan hệ Mỹ-Việt từ trước đến nay vốn không phải là mối quan hệ song phương đơn thuần, vì quan hệ Việt-Mỹ phát triển thế nào cũng còn phải phụ thuộc vào quan hệ Trung-Mỹ, vào ảnh hưởng của Trung Quốc đang không ngừng tăng lên ở khu vực và trên cả thế giới, cũng như phụ thuộc vào sự thay đổi trong tình hình khu vực Đông Á. Điều đặc biệt cần phải nói rõ là, quan hệ quốc tế, cục diện thế giới thường do quan hệ nước lớn chủ đạo và chi phối. Quan hệ Trung-Mỹ tuy có trắc trở nhưng về tổng thể cũng cho thấy một quỹ đạo phát triển theo hình sin “ổn định ở tầm cao, va chạm ở tầng thấp”. Trong một số vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu, Trung Quốc và Mỹ còn đòi hỏi phải có sự hợp tác chiến lược. Trong bối cảnh chung đó, quan hệ Trung-Mỹ chắc chắn cũng phải trở thành một biến lượng mang tính mấu chốt ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Mỹ. 

Lê Sơn (gt)