cfareed_0124.jpg

Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trong tranh chấp biển ở châu Á. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã cải tạo đất và xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tổng diện tích lên tới khoảng 1.280 hecta đất. Một số hòn đảo này đã được trang bị nhiều hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự. Không chỉ vậy, Chính quyền Bắc Kinh còn ban hành quy định về thời điểm cấm đánh bắt cá và thường xuyên đưa tàu tới các vùng biển mà 4 nước Đông Nam Á é khác là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Để duy trì ưu thế của mình trong các tranh chấp, Bắc Kinh đã và dựa vào những công nghệ tối tân như các hệ thống rađa và thiết bị lặn không người lái có khả năng giám sát và thu thập thông tin dưới đáy biển để phát hiện các hoạt động có liên quan đến con người hoặc biến động địa nhiệt. Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng một mạng lưới giám sát dưới nước để thu thập dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên và những thông tin nhằm phục vụ vấn đề an ninh quốc gia.

UVS Intelligence System, một doanh nghiệp tư nhân ở Thượng Hải chuyên kinh doanh các hệ thống thông minh, cho biết họ đang bắt đầu rao bán một mẫu thiết bị “lưỡng cư”. Đây có thể là lần đầu tiên một thiết bị như vậy được bán với mục đích thương mại. Trên trang mạng của công ty này có đăng tải tấm bản đồ Biển Đông để quảng cáo cho thiết bị lặn có tên U650, và ca ngợi đây là một thiết bị không vận không người lái rất lý tưởng. Trang mạng này cho biết thiết bị dài 5,85m, hoạt động được cả trên không và dưới nước, có thể vận hành tại các đảo nhỏ cũng như nhiều vùng biển mà không đòi hỏi quá nhiều chi phí bảo dưỡng. Theo UVS Intelligence System, U650 có thể thả các gói hàng viện trợ khẩn cấp từ trên cao xuống “trong trường hợp điều kiện thời tiết và địa hình không cho phép máy bay cất hoặc hạ cánh”. Thiết bị có vỏ là hợp kim carbon có thể bay với tốc độ 180km/h trong 15 giờ liên tục và mang được khối lượng hàng hóa lên tới 250kg.

Nếu thiết bị bay không người lái nói trên thực sự giúp giảm thiểu chi phí so với các giải pháp truyền thống thì thị trường tiêu thụ sản phẩm này rất hứa hẹn, với nhu cầu lớn từ những doanh nghiệp khoan dầu khí, hay những nhà cung cấp thiết bị (như rađa, thông tin liên lạc), hoặc những nhiệm vụ cần vận tải hàng hóa trong vùng biển rộng tới 3,5 triệu km2, nơi Trung Quốc yêu sách tới 90% diện tích. Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực cũng có thể mua các thiết bị U650 này, bởi Trung Quốc sẵn lòng bán cho cả các đối thủ tiềm tàng. Trung Quốc là nước yêu sách biển có sức mạnh nhất và cũng là nước chú trọng nhất đến việc sử dụng các công nghệ cao, bởi vậy các thiết bị không người lái do một công ty Trung Quốc sản xuất có thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn các thiết bị khác vốn chỉ được phát triển nhằm mục đích quân sự. Phil Finnegan, Giám đốc phụ trách khối phân tích của Teal Group, một tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường hàng không vũ trụ và quốc phòng Mỹ, bình luận: “Người ta quan tâm tới các hệ thống (ở Trung Quốc) hơn là những thiết bị do những doanh nghiệp Mỹ phát triển vốn chỉ chú trọng mục tiêu vận tải”. U650 của Trung Quốc có những đối thủ khác như máy bay Chirok của Nga hay thiết bị bay không người lái Blackwing của AeroVironment cung cấp cho Hải quân Mỹ.

Ông Kelvin Wong, người phụ trách nhóm biên tập lĩnh vực vũ khí và trang thiết bị của tạp chí International Defence Review, thuộc tổ chức nghiên cứu HIS Jane’s chi nhánh Singapore, cho rằng những tính năng kỹ thuật đặc biệt của thiết bị “lưỡng cư” mà Trung Quốc quảng bá có thể hữu ích trong hoạt động thăm dò môi trường và địa hình dưới đáy biển phục vụ việc vẽ bản đồ. Đây đều là những yếu tố quan trọng làm tiền đề cho việc khai thác các nguồn tài nguyên như thủy hải sản hay nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang cũng có thể dùng những phương tiện này để giám sát, vận tải, đánh giá thiệt hại nếu xung đột xảy ra hay thậm chí là tiến hành những cuộc “tấn công quy mô nhỏ”.

Theo hình ảnh xuất hiện trên trang mạng của tờ China Daily, U650 còn có thể chụp ảnh nhờ hai ống ngắm quang học điện tử trên phần thân cánh. Ông Wong nói: “Với khả năng cất cánh và hạ cánh cả trên cạn lẫn dưới nước, U650 hoàn toàn phù hợp với các nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng hải và vận chuyển hàng viện trợ. Thiết bị này có thể nhanh chóng được triển khai hoặc thu hồi trên biển,… giúp hoạt động giám sát diễn ra một cách nhanh chóng hoặc vận chuyển tức thời những hàng hóa quan trọng”. Đến nay, UVS đã bán các thiết bị này cho một công ty vận chuyển hàng của Trung Quốc và một khách hàng khác ở Đông Nam Á. Trang mạng của chính quyền trung ương cho biết, các thiết bị không người lái cũng có thể sẽ sớm được triển khai trong lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để giúp thực hiện các nhiệm vụ thăm dò và tấn công “nhờ khả năng mang theo rađa, các thiết bị phát hiện tàu ngầm hay tên lửa”.

Theo “Forbes

Nhật Linh (gt)