Sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Iraq, những vụ chặt đầu dã man các con tin người Mỹ và dịch bệnh Ebola đã cho thấy những yếu kém trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Những vấn đề này xảy ra ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, khiến chính quyền Mỹ rơi vào thế phòng ngự. Chính sách đối ngoại vốn được coi là sở trường của ông Obama bỗng chốc trở thành rào cản, kéo tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này đi xuống.

Tuy nhiên, tình thế hiện nay dường như đã đảo ngược. Việc Tổng thống Obama hồi tháng trước bất ngờ tuyên bố Washington sẽ bình thường hóa quan hệ với La Habana sau nửa thế kỷ thực hiện chính sách kìm kẹp và cô lập đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tương tự, việc chính quyền Obama ký kết thỏa thuận về biến đổi khí hậu với Trung Quốc hồi tháng 11/2014 và quyết định gần đây tạo điều kiện cho khoảng 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp tiếp tục được ở lại Mỹ cũng được nhiều người hoan nghênh. Kết quả cuộc thăm dò do CNN và hãng ORC thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Obama đã tăng vọt lên 48%, mức cao nhất trong 20 tháng trở lại đây.

Vậy điều gì đã giúp cho chính sách đối ngoại của ông Obama hồi sinh? Thật trớ trêu, một phần câu trả lời lại là sự thất bại mà ông Obama và những thành viên Đảng Dân chủ đã phải gánh chịu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2014. Với việc Đảng Cộng hòa kiểm soát hoàn toàn Thượng viện và gia tăng vị thế đa số ghế ở Hạ viện, Tổng thống Obama giờ đây có một động cơ mạnh mẽ để phản bác cái gọi là tình trạng "vịt què", bắt đầu bằng việc thay đổi hình ảnh trong giới truyền thông. Do các thành viên Đảng Cộng hòa đoàn kết với nhau hơn trong chính sách đối nội nên Nhà Trắng buộc phải phải tập trung các nỗ lực của mình vào chính sách đối ngoại.

Chính quyền Obama cũng tỉnh táo hơn với những thời cơ liên quan đến chính sách đối ngoại. Chính sách cô lập Cuba đã lỗi thời và không mang lại nhiều lợi ích địa chính trị cho Washington. Sự cô lập thậm chí cũng không tác động nhiều đến Cuba, nhất là trong bối cảnh Venezuela - nước bảo trợ chính của La Habana - cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cũng đã rút ra được bài học rằng chính sách đối ngoại mạnh tay của Bắc Kinh trong những năm vừa qua không mang lại nhiều bạn bè cho nước này ở châu Á hay ở những khu vực khác trên thế giới. Với việc ký kết thỏa thuận về biến đổi khí hậu với Mỹ, ông Tập Cận Bình đánh tín hiệu rằng Trung Quốc đã biết cách hành động có trách nhiệm trên bình diện quốc tế.

Một số người có thể cho rằng những hành động gần đây của ông Obama chỉ là sự sửa sai mang tính chiến lược, với ngụ ý rằng cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại trước đây của nhà lãnh đạo này đã thất bại. Tuy nhiên, những kết quả gần đây của chính quyền Obama hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2009: Chú trọng hơn vào "ngoại giao im lặng", sẵn sàng đàm phán với đối phương và tránh bị sa lầy vào những cuộc xung đột mang lại ít những giá trị thực chất cho Mỹ.

Thậm chí bản chất đơn phương trong những hành động gần đây của ông Obama cũng có những tiền lệ trong lịch sử. Khi tiến hành chiến dịch vận động bầu cử tổng thống năm 2008, ông Obama đã chỉ trích cựu Tổng thống George W. Bush vì lạm dụng những quyền hành pháp. Tuy nhiên, như các học giả Sidney Milkis và Kenneth Lowande đã chỉ ra, những thành tích của ông Obama trên mặt trận này về cơ bản không khác gì của ông Bush. Phải đối mặt với nhiều thách thức trong một kỷ nguyên mà chủ nghĩa đảng phái phát triển mạnh, ông Obama buộc phải làm điều có lợi cho mình.

Mặc dù vậy, những thành công gần đây trong chính sách đối ngoại ít có khả năng làm thay đổi đường lối của Mỹ. Chiến lược chung của ông Obama vẫn giữ nguyên. Nhà Trắng sẽ tiếp tục tìm cách để giảm thiểu thiệt hại của Mỹ ở Trung Đông và dành thêm thời gian cũng như sức lực cho những khu vực có tầm quan trọng lâu dài đối với Mỹ, đặc biệt là khu vực châu Á. Hơn nữa, ông Obama sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược này với "giá rẻ", tức là sử dụng ngoại giao thay vì sức mạnh quân sự ở bất cứ đâu nếu có thể.

Thành công trong chính sách đối ngoại của ông Obama ngày hôm nay một phần nhờ vào thời điểm thuận lợi và một số yếu tố mà Nhà Trắng không thể kiểm soát hoàn toàn. Khi giá dầu còn ở mức cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin dễ dàng đối phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm sâu như thời gian vừa qua, các biện pháp trừng phạt đã gia tăng sức mạnh. Trong khi đó, những yếu kém kinh tế của Venezuela đã làm cho Cuba bừng tỉnh. Và không có gì ngạc nhiên khi Iran bất ngờ tỏ ra sẵn sàng hạn chế khả năng hạt nhân của nước này để đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Cái mà ông Obama xứng đáng nhận lời khen ngợi đó là tầm nhìn xa. Mặc dù lực lượng của Nga hiện vẫn đóng quân ở Crimea, song ông Obama vẫn tỉnh táo để không bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng ở đây. Trong các cuộc xung đột đang âm ỉ ở Iraq và Syria, chính quyền Mỹ dường như còn thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về cái mà Washington muốn tránh hơn là cái mà họ muốn đạt được. Đối với ông Obama, thách thức chính trị phụ thuộc vào những thành quả chiến lược mà ông đã đạt được kể từ tháng 11/2014. Cuộc đàm phán hạt nhân với Tehran, dự kiến sẽ được nối lại vào tuần tới tại Geneva (Thụy Sĩ), có thể sẽ mang lại cơ hội rõ ràng nhất. Với vốn chính trị đã đạt được về vấn đề biến đổi khí hậu và nhập cư, rất có thể ông Obama sẽ tạo ra một cú huých mới trong lĩnh vực thương mại. Với hai năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm nhiều điều bất ngờ trong chính sách đối ngoại của mình. 

Theo “Chatham House

Anh Thư (gt)