Trong hai tuần sau khi tái đắc cử, ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Mianma. Đây là dấu hiệu cho thấy ông có ý định duy trì chính sách "trở lại Châu Á" sau một thập kỷ Mỹ bị sa lầy tại Irắc và Ápganixtan. Điều đó cũng phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Châu Á cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Trong ba năm qua, Oasinhtơn đã "tình nguyện" can dự vào các hoạt động ngoại giao liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông, triển khai thêm lực lượng quân sự tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tại khu vực này. Mỹ cũng đã nỗ lực rất nhiều để điều tiết mối quan hệ với đối thủ Trung Quốc. Tất cả những động thái nêu trên của Mỹ đã được châu Á nhiệt liệt hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều chính phủ ở Châu Á tỏ ra nghi ngờ, không biết Mỹ có khả năng duy trì chính sách này hay không. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy Thượng nghị sỹ John Kerry - được Tổng thống Obama chỉ định thay bà Hillary Rodham Clinton làm ngoại trưởng Mỹ - sẽ tiếp tục chính sách "trở lại Châu Á ", song dường như Trung Đông cũng sẽ thu hút một phần lớn sự chú ý của ông. Bên cạnh đó, có lẽ ông cũng không thể mãi làm ngơ khi cuộc nội chiến ở Xyri vẫn chưa thấy hồi kết và khi Mỹ phải chịu áp lực ngày càng tăng do có những đề nghị tiến hành các hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Và Mỹ cũng khó có thể thúc đẩy vai trò cũng như vị thế của mình ở châu Á trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Trái ngược với Trung Quốc, Mỹ hầu như không còn khả năng viện trợ thêm cho các nước đồng minh và mở rộng sự hiện diện quân sự. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất có thể giúp Mỹ nâng cao vị thế trong khu vực là Mỹ phải giải quyết ổn thỏa các bất đồng chính trị sâu sắc ở trong nước. Việc Mỹ không giải quyết được tình trạng bế tắc kéo dài giữa Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa liên quan đến cách xử lý khoản nợ công trị giá 16,4 nghìn tỷ USD đã tạo ra gánh nặng cho thị trường tài chính toàn cầu. Tuần tới, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát dự kiến sẽ bỏ phiếu về một giải pháp tạm thời, theo đó cho phép chính phủ vay thêm tiền để trang trải nợ trong 3 tháng, mặc dù điều đó sẽ không có tác dụng làm giảm nợ. Không đạt được một thỏa thuận về việc nâng mức trần nợ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ bị "phá sản" vào giữa tháng 2/2013. Động thái đó chắc chắn sẽ khiến chỉ số tín nhiệm của Mỹ sụt giảm, dẫn đến chi phí vay mượn tại Mỹ và những nơi khác cao hơn. Nó sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các chính phủ vốn là chủ nợ của Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc và Nhật Bản, cả hai hiện đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ. Nó cũng có thể làm xói mòn vị thế của Mỹ như một "thiên đường" an toàn cho các nhà đầu tư và gây ra tình trạng rối ren kinh tế. Sau thỏa thuận vào phút chót ở Mỹ vào ngày 31/12/2012, theo đó tạm thời ngăn chặn việc tăng thuế và cắt giảm ngân sách, cựu Ngoại trưởng Ôxtrâylia Bob Carr đã cảnh báo rằng mức nợ khổng lồ của Mỹ hiện làm dấy lên câu hỏi về khả năng đóng vai trò "đầu tàu thế giới" của Oasinhtơn. Trong khi đó, ông Kurt Campbell - nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - hồi tuần trước cũng nói rằng châu Á sẽ nhìn cách Mỹ giải quyết các vấn đề về ngân sách và tình hình nội bộ để từ đó suy ra khả năng Mỹ nắm giữ vai trò lâu dài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Tình trạng bế tắc trong nội bộ nước Mỹ ngày càng lớn khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai ngày 21/1. Tuy nhiên, giới chức Mỹ mặc dù bất đồng về rất nhiều vấn đề, song họ lại khá đồng thuận trong chính sách đối với châu Á. Cả hai đảng đều ủng hộ nỗ lực xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á, để từ đó giúp Mỹ gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực này: củng cố liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và mở rộng các mối quan hệ tại Đông Nam Á. Đặc biệt, đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thể hiện sự thống nhất hiếm thấy trong việc ủng hộ tham vọng của chính quyền Obama thúc đẩy quan hệ với Mianma. Tuy nhiên, các sáng kiến liên quan đến chính sách châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama có thể sẽ khiến Mỹ phải gánh vác khá nhiều trách nhiệm trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. Tuyên bố của Mỹ năm 2010 rằng nước này có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông đã giúp nâng cao vị thế của Oasinhtơn trong mắt các quốc gia vốn bị các hành động quyết đoán của Trung Quốc đe dọa tại khu vực giàu tài nguyên này. Song, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á đang bị chia rẽ giữa một bên là các nước muốn đàm phán tập thể với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông - và đây là giải pháp được Oasinhtơn tán thành - với một bên là những nước phản đối biện pháp ngoại giao đó (đúng theo ý của Trung Quốc).

Vẫn tồn tại những nghi ngờ về cam kết tiến hành cải cách dân chủ của Mianma. Mặc dù Mianma đã có những thay đổi đáng kể, khiến Mỹ nới lỏng nhiều biện pháp trừng phạt, song quân đội nước này đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào các tay súng sắc tộc ở miền Bắc nước này. Nếu đắc cử chức ngoại trưởng Mỹ, mối lo ngại trước mắt của ông Kerry sẽ là tình trạng căng thẳng gia tăng tại khu vực Đông Bắc Á, nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đón nhận các nhà lãnh đạo mới. Cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đe dọa sẽ lôi kéo cả Mỹ vào cuộc nếu căng thẳng leo thang. Mặc dù Oasinhtơn tái khẳng định liên minh với Nhật Bản, song Mỹ cũng muốn thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc để làm giảm bớt nguy cơ bùng nổ xung đột. Mỹ sẽ khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc hàn gắn quan hệ, vốn trở nên căng thẳng thời gian gần đây. Về vấn đề Bắc Triều Tiên, có thể với việc ông Kerry giữ chức ngoại trưởng, Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới. Là Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry thường chỉ trích thái độ miễn cưỡng đàm phán với Bình Nhưỡng của chính quyền Obama liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, và đã tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức hồi năm ngoái với các quan chức Bắc Triều Tiên khi đó đang ở thăm Niu Yoóc. Tuy nhiên, ông cũng sẽ nhận thức được những "cái bẫy" của một sự can dự như thế. Trong một tuần các quan chức Bắc Triều Tiên ở thăm Niu Yoóc, Bình Nhưỡng đã dập tắt mọi hy vọng về việc thiết lập lại quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ khi thông báo sẽ phóng tên lửa tầm xa.

Theo Business Mirror (ngày 19/1)

Vũ Hiền (gt)