Những nhận thức mới đang nổi lên là gì? Đầu tiên là quan niệm cho rằng Indonesia đang hướng nội. Tất nhiên, mỗi chính phủ trên thế giới đều theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia, nhưng việc thường xuyên đặt ra câu hỏi “được gì cho mình” sẽ dẫn đến nguy cơ theo đuổi chính sách ngoại giao “vì mình” mà không tính toán đến vị thế đáng tin cậy như một nhà lãnh đạo khu vực với trách nhiệm toàn cầu. Vấn đề hướng nội được đặt ra một cách thích hợp bởi cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Indonesia sẽ tiếp tục đóng một vai trò hàng đầu và đáng tin cậy trong các vấn đề quan trọng liên quan đến Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), G-20, cấu trúc khu vực, giải quyết xung đột, khủng bố, biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế, chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015… Những gì mà họ mong đợi không đòi hỏi Jakarta phải thay đổi quá nhiều trong chính sách đối ngoại mà cần tăng cường tính liên tục.

Quan điểm thứ hai mà cộng đồng quốc tế quan tâm kể từ năm ngoái là chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực kinh tế đang lên như cơn thủy triều. Các nhà ngoại giao Indonesia đã lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực kinh tế chủ yếu do "cơn sốt" bầu cử và sẽ giảm dần khi chính phủ mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng lo ngại khi chứng kiến một chính quyền theo đuổi kinh tế với các kế hoạch đầy tham vọng. Điều quan trọng nhất đối với chính phủ Indonesia là cần phải có hướng giải quyết tình trạng cộng đồng doanh nghiệp đang suy giảm niềm tin, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này có nguy cơ dưới mức 5% năm 2015 trong khi các nước ASEAN khác như Philippines, Việt Nam và Myanmar đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Có một thực tế đáng chú ý là trong những năm gần đây, các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Argentina đã phải trả giá đắt cho việc theo đuổi các chính sách làm suy giảm niềm tin của cộng đồng vào chính phủ.

Quan niệm thứ ba là chủ nghĩa dân túy dâng cao. Chủ nghĩa dân túy tất nhiên là sản phẩm quan trọng nhất của cuộc bầu cử năm 2014 và sẽ tiếp tục liên quan đến cuộc bầu cử năm 2019. Câu hỏi đặt ra là Indonesia sẽ điều chỉnh sự cân bằng giữa các chính sách và chủ nghĩa dân túy ra sao. Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã cố gắng tìm cách dung hòa đúng cách nhưng Indonesia vẫn đang loay hoay với vấn đề này. Các vụ việc gần đây liên quan đến chính sách thi hành án tử hình người nước ngoài, đốt tàu nước ngoài, yêu cầu lao động nước ngoài nói tiếng Indonesia… được cộng đồng quốc tế đánh giá là dấu hiệu của chủ nghĩa dân túy quá mức.

Quan điểm tiếp theo mà cộng đồng quốc tế đánh giá là sự trì trệ trong tiến trình cải cách và nền chính trị lộn xộn. Từ nay cho đến cuối năm - nếu không muốn nói là sớm hơn - chính phủ Indonesia cần thúc đẩy các chính sách nhằm khắc phục những nhận thức của cộng đồng quốc tế trước khi chúng trở thành tai tiếng.

Tác giả kết luận rằng Ngoại trưởng Retno LP Marsudi là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm với tính cách quyết đoán, có cái nhìn rõ ràng về lợi ích quốc gia và rất muốn duy trì vị thế quốc tế của Indonesia. Trong vụ tranh cãi với Brazil về cách hành xử bất công với Đại sứ Indonesia, bà đã khéo léo đưa ra các liệu pháp hợp lý để tránh cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, việc giải quyết được những nhận thức của quốc tế đòi hỏi các chính sách từ một Nội các mạch lạc với thông điệp rõ ràng và nhất quán.

Tác giả là ông Dino Patti Djalal - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Indonesia tại Mỹ, Bài viết đăng trên  Bưu điện Jakarta”.

Hương Trà (gt)