Việc các nước ASEAN và Trung Quốc ký DOC vào năm 2002 đã giúp giữ Biển Đông yên tĩnh một thời gian cho đến cuối năm 2009. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2011, căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang, hàng loạt sự cố xẩy ra ở Biển Đông liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Philippines và Việt Nam. Ngoài các nước tranh chấp chủ quyền, Mỹ đang đóng một vai trò mà Bắc Kinh coi là nỗ lực khẳng định lại sự có mặt tại khu vực chiến lược này. Tranh đua của các nước tuyên bố có chủ quyền để kiểm soát các đảo như lửa được đổ thêm dầu bởi mối lo ngại Trung Quốc đang trỗi lên, trong khi Trung Quốc lại cho rằng Mỹ đang xiết chặt sợi dây thòng lọng để kiểm soát các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực.

Từ năm 2009, một số diễn biến tại Biển Đông làm dấy lên mối lo ngại về duy trì ổn định tại khu vực. Năm 2010, sự các mối căng thẳng tại Biển Đông gia tăng với việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ và đáp lại NT Mỹ Clinton tuyên bố tại hội nghị ARF coi các tranh chấp tại biển Đông là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” và “ điều sống còn đối với an ninh khu vực”. Tuyên bố này đã làm tăng quan ngại của Trung Quốc và Bắc Kinh coi đây là dấu hiệu Mỹ đã thay đổi lập trường trung lập của họ đối với tranh chấp ở Biển Đông và rằng Mỹ đang ủng hộ các nước tuyên bố chủ quyền đặc biệt là Việt Nam.

Liên quan tới thuật ngữ “lợi ích cốt lõi”, một số học giả Trung Quốc cho rằng giới báo chí đã cắt xén nguyên văn là: “giải pháp hòa bình tại Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Chính phủ Trung Quốc”, chứ thực tế Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ.

Nhiều sĩ quan và học giả Trung Quốc cho rằng điều Mỹ lo ngại về tự do hàng hải trên biển này là vô căn cứ vì do hàng hải trên vùng biển này chưa bao giờ có vấn đề, Trung Quốc cũng chưa từng cản trở thông thương trên biển và trên không của vùng biển này. Theo họ, cái mà Mỹ gọi là “lợi ích quốc gia” tại biển này thực tế không phải là tự do đi lại mà là sự hiện diện của Mỹ tại Tây TBD, hay nói cách khác là Mỹ tiếp tục muốn chiếm ưu thế quân sự vượt trội và ảnh hưởng chính trị của Mỹ đối với khu vực.

Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại về sự can dự ngày càng tăng của Mỹ tại Biển Đông, phản đối quốc tế hóa vấn đề hàng hải. Trung Quốc coi vấn đề Biển Đông là tranh chấp chủ quyền về lãnh thổ và quyền hàng hải giữa các bên liên quan, không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như không phải là vấn đề khu vực hay quốc tế. Một số học giả Mỹ thì cho rằng việc Trung Quốc phản đối quốc tế hóa Biển Đông là nhằm phi quốc tế hóa một vùng biển quốc tế. Một khi Trung Quốc phi quốc tế hóa được nó, Trung Quốc sẽ áp đặt sức mạnh và luật lệ của mình lên các nước ĐNÁ. Bên cạnh những khái niệm như “lợi ích cốt lõi”, ‘tự do hàng hải”, và “quốc tế hóa” thì “đường chữ U” (lưỡi bò) đang là vấn đề gây tranh cãi và mơ hồ nhất giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp. Đường đứt đoạn gốc do các nhà chức trách Trung Quốc vẽ năm 1947, gồm 11 đoạn. Sau này Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ các giá trị pháp lý quốc gia và quốc tế của các đoạn đứt khúc này. Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng có cách giải thích khác nhau, đôi khi đối lập nhau tại các hội nghị quốc tế. Cho đến khi Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền của họ thì không chỉ có các nước tranh chấp mà cả toàn bộ cộng đồng quốc tế đều quan ngại sâu sắc. Nó đã trở thành vấn đề nhức đầu dai dẳng của những nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Với tình hình leo thang trên Biển Đông vừa qua, cả Trung Quốc và Mỹ đều đổ lỗi cho nhau đã thay đổi lập trường tại Biển Đông, một bên thì coi Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi, bên kia coi Biển Đông thuộc lợi ích quốc gia của mình. “Tự do hàng hải” giúp Mỹ biện minh cho việc tăng cường can dự tại biển Đông, trong khi Trung Quốc thì cho rằng “tự do hàng hải” chưa từng bị xâm phạm và rằng Trung Quốc chia sẻ với Mỹ cùng quan ngại về an ninh và an toàn hàng hải qua khu vực.

Washington đề xuất làm môi giới để các bên tranh chấp tìm kiếm một giải pháp cho sự tranh chấp, Bắc Kinh chống lại quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông và nhất quyết giải quyết theo cách tiếp cận song phương với từng bên để giải quyết chủ quyền và phân định vùng biển. Trung Quốc chỉ để ngỏ tiếp cận đa phương trong một số lĩnh vực như an ninh phi truyền thống. Trong khi đó, nội bộ ASEAN cũng không có được đồng thuận về vấn đề Biển Đông, một số nước ASEAN lo ngại dính vào vấn đề này sẽ ảnh hưởng quan hệ của họ với Trung Quốc. Trên hết, lịch trình quan trọng và cấp bách nhất cho tình hình ngày càng rắc rối này là lúc nào và làm thế nào Trung Quốc làm sáng tỏ tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Quang Minh (gt)