Cả Trung Quốc và Việt Nam đều không chắc hai nước này sẽ được lợi bao nhiêu từ Biển Đông, song theo các nhà phân tích thì tổn thất có thể tính toán được nếu xảy ra chiến tranh. Đơn giản là vì không ai biết rõ có bao nhiêu dầu dưới Biển Đông. Một số nguồn của Trung Quốc tính toán có hơn 200 tỉ thùng dầu, bằng khoảng 80% lượng dầu của Arập Xêút, nhưng nhiều người nói rằng tính toán này quá phóng đại. Lợi thì chưa rõ, nhưng Bắc Kinh có thể tính được việc leo thang đối đầu với Việt Nam trên biển sẽ gây thiệt hại như thế nào đối với nền kinh tế Trung Quốc. Cái giá dễ thấy là Trung Quốc mất đi 12,7 tỉ USD thặng dư thương mại với Việt Nam mà nước này có được trong năm 2010 theo tính toán của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Số tiền này tương đương 7% thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm, một phần nhỏ nhưng lại khá quan trọng trong thu nhập quốc gia của Trung Quốc.

Phản ứng trước cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 6 giờ do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thông báo Trung Quốc "sẽ không sử dụng vũ lực" để đáp trả cái mà Trung Quốc gọi là các hành động hiếu chiến trong khu vực Trung Quốc tuyên bố "có chủ quyền không thể tranh cãi".

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù liên tiếp dùng những lời lẽ buộc tội rất nặng nề, chỉ trích Việt Nam đe dọa chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực, song Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thực hiện lời hứa để quan hệ hai bên không tiếp tục xấu thêm. Tiến sĩ Donald Emmerson, Giám đốc Diễn đàn Đông Nam Á của Đại học Stanford (Mỹ), nói: "Có cách để tính toán khả năng xảy ra đối đầu quân sự đến đâu. Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông. Số nhiên liệu này được vận chuyển từ Eo biển Malắcca vào Biển Đông. Nếu Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh tại tuyến đường vận chuyển cơ bản này, đó sẽ là một hành động không khôn ngoan".

Đó là một lý do sẽ không dẫn tới chiến tranh ở Biển Đông. Một lý do khác mà các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên biển - tổng số là 6 bên, trong đó có Việt Nam, Philíppin và Đài Loan - không đi tới xung đột quân sự với Trung Quốc là để duy trì ổn định địa chiến lược trong khu vực.

Emmerson cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ bị chấn động mạnh do tuyến đường vận chuyển chủ chốt này bị ảnh hưởng nếu xảy ra chiến tranh. Với một nửa lượng hàng hóa vận chuyển trên biển của thế giới đi qua Biển Đông mỗi năm, Emmerson nhận xét rằng "Biển Đông là huyết mạch của thương mại toàn cầu".

Nhận định về mối quan hệ đối tác "cùng có lợi" (cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực), Nariman Behravesh, nhà kinh tế của IHS Global Insight và là một nhà phân tích kinh tế hàng đầu, nói: "Đương nhiên, tôi cho rằng Việt Nam có khả năng chấp nhận các dự án khai thác chung các nguồn dầu (ở Biển Đông)". 

Theo báo "Nikkei", mặc dù có nhiều lời đề nghị từ phía một số nước ASEAN yêu cầu Mỹ tích cực can dự vào tình hình Biển Đông, song cũng có nhiều tiếng nói trên chính trường Mỹ tỏ ra thận trọng trong việc chính thức can thiệp vào tình hình khu vực để tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Mặc dù Mỹ cũng có những hành động kiềm chế Trung Quốc bằng việc tổ chức các cuộc tập trận hải quân, song chính một số thành viên trong Quốc hội Mỹ lại tỏ ra không đồng tình với các động thái này. Báo "Nikkei" cho rằng có nhiều khả năng cho thấy Mỹ sẽ chơi trò hai mặt, một mặt đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và Philíppin để tiếp tục duy trì ưu thế của quân đội Mỹ trên Biển Đông, mặt khác duy trì thái độ trung lập và tránh gây va chạm với Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

 

Theo Ibtimes

Mỹ Anh (gt)