Maritime_Strategy_cover.jpg

Lần đầu tiên chiến lược biển mới của Mỹ chính thức có phiên bản bằng tiếng Trung. Nếu đây là một tín hiệu với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao? Liệu người Trung Quốc có coi đây là một thách thức, hay một lời mời hợp tác để bảo vệ một trật tự dựa trên quy định? Trên thực tế, chiến lược biển mới của Mỹ có xu hướng mở rộng đáng kể kể từ lần công bố trước vào năm 2007. 

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là tài liệu chiến lược mới này khác biệt thế nào với phiên bản đầu tiên? 

Tài liệu mới nhấn mạnh nhiều hơn đến sức mạnh cơ bắp trong bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ trên biển. “Bảo vệ đất nước và giành chiến thắng trong cuộc chiến là nhiệm vụ cốt lõi của Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ”. Cũng theo chiến lược mới, “phản ứng hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”, một trong sáu chức năng chính của Hải quân Mỹ, nay trở thành một phần của năng lực phô diễn sức mạnh ngoài khơi. Nhiệm vụ này từng được nêu bật trong phiên bản 2007 và được thực hiện mạnh mẽ trong 8 năm qua, gần đây nhất là trong siêu bão Haiyan ở Philippines. Chắc chắn Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chức năng này như thường lệ song giảm dần tầm quan trọng của nó trong bối cảnh thiên tai ở châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nhiều và lực lượng hải quân khu vực đang nỗ lực cải thiện năng lực ứng phó của mình. Việc nhấn mạnh đến khả năng răn đe và tham chiến được đề cập đến cùng với sự xuất hiện của một chức năng mới của hải quân - đó là đảm bảo sự "tiếp cận toàn diện”. Việc nhấn mạnh đến sự "tiếp cận toàn diện” là biểu hiện của sự chuyển hướng dần đến mối quan hệ đối địch hơn với Trung Quốc và sự phát triển của Hải quân Trung Quốc được chiến lược mới xác định là "mang lại cả cơ hội và thách thức".

Như một số người nhận định, phản ứng trước khái niệm chống tiếp cận/chống đổ bộ khu vực (AA/AD) của Trung Quốc được thể hiện rõ, bởi khái niệm này gây lo lắng cho nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực của Mỹ. 

Chiến lược cũ đã bị chỉ trích vì giống một “khái niệm” hơn là một chiến lược, do dường như không kết nối với những sáng kiến chiến lược khác của Mỹ.

Tất cả những cách diễn dịch ban đầu về chiến lược mới này có thể và sẽ được tranh luận trên toàn thế giới. Tài liệu mới vẫn nhấn mạnh đến hai khía cạnh: thứ nhất là tiếp tục tái cân bằng sức mạnh, hướng tới châu Á-Thái Bình Dương (bất chấp quan ngại gia tăng ở châu Âu và Trung Đông); thứ hai là vai trò thiết yếu của các đồng minh và đối tác của Mỹ như một phương tiện để thu hẹp khoảng cách giữa những gì phải được làm và những gì Mỹ có khả năng làm.

Phản ứng của các nước trong khu vực đối với chiến lược mới này sẽ có ý nghĩa then chốt. Liệu họ sẽ ủng hộ quyết tâm của Mỹ và tăng mức độ can dự của Hải quân và Cảnh sát Biển? Hải quân khu vực có tham gia thúc đẩy năng lực “tiếp cận toàn diện” của Mỹ hay ngăn chặn nó?

Việc khu vực sẽ “chào đón” chiến lược biển mới của Mỹ như thế nào là những gì giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh lưu tâm. Người Trung Quốc sẽ diễn giải ra sao việc Mỹ lần đầu tiên công bố văn bản này bằng tiếng Trung? Họ sẽ coi đây là một lời mời hợp tác để bảo vệ một trật tự dựa trên quy định, hay trái lại, là một nỗ lực kiềm tỏa sự quyết đoán trên biển ngày càng lớn của Bắc Kinh? Tóm lại, tương lai của khu vực biển này sẽ được xác định một phần bởi phản ứng của các nước trong khu vực đối với chiến lược biển mới của Mỹ. 

Bài viết của nhà nghiên cứu Geoffrey Till, Giáo sư thỉnh giảng Chương trình Nghiên cứu Biển đăng trên mục Bình luận của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS)

Thuỳ Anh (gt)