Sunset__Russia,_Samara_region__View_of_railroad.JPG

Theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) đưa ra ngày 29/1, trong quý IV/2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức tăng trưởng hàng năm 0,7%, giảm so với mức 2% trong quý III/2015 và 3,9% trong quý II/2015. Sự trì trệ của nền kinh tế diễn ra trên diện rộng, cả trong tiêu dùng, kinh doanh và chi tiêu chính phủ, đồng thời suy giảm cả trong thương mại do đồng USD tăng giá.

Trong bản Kê khai Doanh thu và Sản xuất Quốc gia (NIPA) mới nhất được công bố ngày 29/1, các số liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn là điểm sáng nhất trong quý IV/2015, đóng góp mức tăng trưởng 1,46% vào tăng trưởng GDP, mặc dù con số này đã giảm so với mức 2,04% trong quý III/2015 và 2,42% trong quý II/2015. Chi tiêu chính phủ cũng vẫn khả quan với mức tăng trưởng 0,12%, giảm so với mức 0,32% và 0,46% trong hai quý trước.

Tuy nhiên, những lĩnh vực kinh tế liên quan mật thiết nhất tới sản xuất công nghiệp lại ngày càng đi xuống trong 3 tháng cuối năm 2015. Ngoại thương giảm 0,47% sau khi đã giảm 0,26% trong quý III/2015 và 0,18% trong quý II/2015 do các nhà xuất khẩu chật vật để duy trì sức cạnh tranh khi đồng USSD mạnh lên. Đầu tư kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nặng, với chênh lệch tồn kho giảm 0,47% và đầu tư cố định vào các thiết bị và công trình xây dựng (không phải nhà ở) giảm 0,24%. Các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ đang cố gắng giải phóng sự dồn ứ lớn hàng tồn kho đã xảy ra vào cuối năm 2014 và 2015 làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải trong nửa cuối năm 2015. Đầu tư cố định vào thiết bị và công trình xây dựng (không phải nhà ở mới) cũng bị ảnh hưởng và phần nhiều là do sự sụt giảm trong khai thác dầu khí. Đầu tư cố định vào các công trình, bao gồm cả các giếng dầu khí, và thiết bị đều bị giảm 0,15% trong 3 tháng cuối năm 2015. Sự sụt giảm khai thác dầu khí có thể cũng góp phần gây ra sự sụt giảm trong chi dùng cho thiết bị. Đầu tư kinh doanh vào khai khoáng cũng như các giếng dầu mới đã giảm hơn 50% so với thời điểm đỉnh cao vào quý IV/2015.

Sự sụt giảm đột ngột không có gì gây ngạc nhiên bởi BEA đã sử dụng các báo cáo kê khai của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cũng như các số liệu hàng năm từ Viện Xăng dầu Mỹ để đưa ra những ước tính về GDP. Tuy nhiên, nó đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế công nghiệp, bao gồm đường sắt, các hãng vận tải, sản xuất thép, thiết bị và các nhà cung cấp tổng hợp thông qua mạng lưới các chuỗi mắt xích cung cấp, càng làm gia tăng tác động ban đầu.

Tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm 2015 đã gây ra những tranh cãi gay gắt về việc giá dầu thấp đi có tác động tích cực hay tiêu cực tới kinh tế Mỹ. Giá cả thấp rõ ràng là tiêu cực đối với các nhà sản xuất dầu khí, song lại tích cực đối với người tiêu dùng nên trong chừng mực mà Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu dầu khí thì tác động rõ ràng là tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tác động có thể là tiêu cực bởi ảnh hưởng của đầu tư dầu khí là nhanh chóng trong khi việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh tiêu dùng năng lượng phải lâu hơn mới nhận ra được. Cũng tương tự trong thương mại quốc tế: đồng tiền mất giá có xu hướng ảnh hưởng xấu tới cán cân thương mại trong ngắn hạn bởi giá nhập khẩu tăng ngay trong khi các nhà xuất khẩu phải mất nhiều thời gian hơn để tăng doanh thu của mình.

Điều tương tự dường như đang xảy ra đối với Mỹ, nước không chỉ là một trong những nhà tiêu thụ dầu khí lớn nhất mà còn là một trong những nhà sản xuất lớn nhất. Điều này không gây ngạc nhiên cho nhà kinh tế Mỹ Wassily Leontief, người đi tiên phong trong việc phân tích đầu vào-đầu ra và đã nghiên cứu mối tương quan giữa các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới Thứ hai, ông đã viết: “Người bình thường cũng như nhà kinh tế học đều nhận thức được như nhau về sự tồn tại của một kiểu quan hệ liên kết với nhau giữa những lĩnh vực khác biệt nhất trong nền kinh tế. Sự hiện diện của các mối quan hệ không thấu được nhưng rất thực này có thể thấy bất kỳ khi nào mà việc buôn bán ô tô được mở rộng ở New York làm tăng nhu cầu hàng tạp hóa ở Detroit; nó được thể hiện ngay khi việc đóng cửa đột ngột các mỏ than ở Pennsylvania làm tê liệt các nhà máy dệt ở New England, và nó càng chắc chắn qua quy luật lên xuống liên tục trong chu kỳ kinh doanh”.

Công nghiệp dầu khí là một trong những nguồn đầu tư lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn bùng nổ 2010-2014, và đã thúc đẩy mạnh mạng lưới các nhà cung cấp khổng lồ. Sự sụt giảm giá dầu khi đã gây ra cú sốc tiêu cực khủng khiếp cho nền kinh tế đang phải chật vật để đối phó với tỷ giá ngoại hối gia tăng và quá nhiều hàng tồn kho ở nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng. Cú sốc về dầu khí đủ lớn để ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình toàn bộ nền kinh tế trong ngắn hạn cho dù nó hứa hẹn có ảnh hưởng tích cực trong dài hạn.

Theo “Reuters” (London 2/2)

Mỹ Anh (gt)